Bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm
Giải pháp xuất khẩu bền vững sang thị trường chủ chốt / Doanh nghiệp đồng loạt giảm giá bánh Trung thu
Tín hiệu sản xuất tích cực trong bức tranh kinh tế 9 tháng
GDP quý III tăng 5,33% là con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/9. Mặc dù tốc độ tăng GDP quý III 5,33% chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021, nhưng đà tăng này đang có xu hướng cải thiện tích cực so với các quý trước, giúp GDP ba quý có mức tăng 4,24%.
Trong khi nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn duy trì được sự ổn định và khả quan, thì ngành thương mại và dịch vụ vượt trội hơn cả, với giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phân khúc bán buôn bán lẻ và vận tải kho bãi là điểm nhấn nổi bật hơn cả.
Tuy nhiên, để thấy rõ nhất vào xu hướng phục hồi năm nay có lẽ phải nhìn vàosản xuất công nghiệp. Khi giá trị tăng thêm toàn ngành này quý III đã có bước nhảy vọt so với các quý trước, mà cụ thể là gấp xấp xỉ 5 lần so với quý II.
Giá trị tăng thêm toàn ngành sản xuất công nghiệp quý III đã có bước nhảy vọt so với các quý trước. Ảnh minh họa.
Không khí tất bật chuẩn bị hàng hoá xuất khẩu là điều dễ thấy nhất ở Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn. Theodoanh nghiệpchia sẻ, nếu như các quý trước đơn hàng giảm tới 40%, có thời điểm 50% thì nay đã phục hồi được trên 20%. Đây cũng là tín hiệu chung của nhiều doanh nghiệp khi các nhà mua hàng tăng mua trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm, lễ Tết.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết: "Công suất các nhà máy chắc chắn sẽ phải hồi phục trở lại chứ không một sớm một chiều được nhưng tín hiệu này tốt vì tín hiệu này tạo ra việc làm cho người lao động. Chúng tôi bắt đầu cho công nhân làm việc nhiều trở lại với thời gian nhiều hơn, nghỉ ít hơn".
Còn tại Công ty CP Tập đoàn Gia Định, đơn hàng từ thị trường chính châu Âu và Mỹ tăng 30% so với tháng trước, đưa công suất nhà máy này lần đầu tiên đạt 100% kể từ đầu năm tới nay. Có doanh nghiệp còn tuyển thêm hàng trăm công nhân để phục vụ đơn hàng cuối năm.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết: "Khách hàng hiện đã đặt chúng tôi một số đơn hàng, ổn định từ nay tới cuối năm và có chiều hướng gia tăng. Chúng tôi đang có kế hoạch tuyển thêm công nhân để kịp hoàn thành các đơn hàng giao cho khách hàng".
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với ngành lương thực, thực phẩm của chúng tôi, tháng 9 này lại tăng 5% so với tháng 8. Một số nhóm hàng tiêu dùng đã có đơn hàng mới cho doanh nghiệp do dự trữ tồn kho đã hết. Doanh nghiệp đang đi tuyển thêm công nhân vào để phục vụ đơn hàng xuất khẩu khi mà đa phần chúng tôi nhận đơn hàng tới tháng 4 năm sau".
"Sức khỏe" ngành sản xuất đang phục hồi tích cực, do vậy các doanh nghiệp đều hy vọng các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai, có thể kéo dài tới năm sau. Thực tế cho thấy thời gian qua, các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT… đều là những liều thuốc kịp thời cho doanh nghiệp.
Các địa phương tăng tốc giải ngân vốnđầu tư công
Công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ là xét theo các phân ngành kinh tế, còn nhìn nhận cỗ xe tam mã, bao gồm tiêu dùng cuối cùng, xuất nhập khẩu và đầu tư cũng đều cho thấy nỗ lực bứt tốc. Trước tiên là mức xuất siêu ấn tượng 21,68 tỷ USD, dù kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu có sự sụt giảm nhẹ trong tháng 9 nhưng Tổng cục Thống kê dự báo những con số này sẽ tiếp tục cải thiện trong quý cuối năm.
Thứ hai là tiêu dung cuối cùng, phản ánh qua nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung quý III ước đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Cuối cùng là đầu tư, trong đó tiến độ giải ngân đầu tư công đạt xấp xỉ 57% tiếp tục cho thấy đây là điểm nhấn nổi bật của năm 2023.
Các địa phương đang tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa.
Mặt bằng sẵn sàng, nguồn vốn được bố trí hợp lý. Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã giải ngân được hơn 94% kế hoạch vốn năm 2023. Cho đến thời điểm này, tỉnh Đồng Tháp đã giải ngân được hơn gần 80% và nằm trong nhóm cao của cả nước.
"Những vấn đề khó mới nổi như cát, hay nguồn vốn cho doanh nghiệp thì hàng tuần chúng tôi đều họp, để nghe và giải quyết cho từng công trình", ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Dự án có chiều dài gần 50km với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Khối lượng thi công vẫn còn nhiều, nhưng nhà đầu tư vẫn cam kết trong năm nay sẽ hoàn thành các hạng mục cứng như cầu, cống, xử lý nền đất yếu để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Chia sẻ tại họp báo ngày 29/9, đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, tiến độ giải ngân đầu tư đạt 57% cho thấy rõ sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, cũng như Thủ tướng Chính phủ và sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua,
Đến nay vẫn có tới 109 dự án tại 41 địa phương chưa giải ngân. Vì vậy, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét phương án cắt giảm nguồn vốn với các dự án mà tới hết tháng 10 vẫn có tỷ lệ giải ngân bằng 0%.
Tăng trưởng kinh tế đang dần bứt tốc, trong khi đó lạm phát phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, tức vẫn trong mức kiểm soát mục tiêu 4,5% đặt ra cho cả năm.
Vẫn còn nhiều áp lực từ bối cảnh kinh tế quốc tế, đặc biệt lạm phát và mặt bằng lãi suất trên thế giới cũng mới chỉ có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt, do đó tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đối mặt không ít thách thức.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và các Bộ ngành, địa phương, các con số thống kê của quý III tiếp tục khẳng định phục hồi là xu hướng của nền kinh tế trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo