Bước đột phá chiến lược để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững
Nông nghiệp đã duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong mọi tình huống và an toàn thực phẩm.
Xăng, dầu đồng loạt tăng giá mạnh / Cán cân thương mại tháng đầu năm xuất siêu gần 1,4 tỷ USD
Mô hình trang trại thông minh Delco Farm (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký tại Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục khẳng định nông nghiệp là nền tảng bền vững của quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chiến lược đã xác định chuyển từ tuy duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp.
Với mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”.
Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội.
Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương. Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị. Lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, vượt qua địa giới hành chính.
Cùng với nông nghiệp, ngành chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập. Đó là đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, có các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, để từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra, đảm bảo “ly nông bất ly hương”. Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn từ loại hình, quy mô... để tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp.
Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác. Có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.
Về phát triển thị trường, đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước sẽ cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.
Với thị trường xuất khẩu, ngành chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Về tín dụng, phát triển tín dụng chính thức cho hộ doanh nghiệp, hợp tác xã; tín dụng theo chuỗi.
Hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa. Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp. Hạ tầng thương mại như: xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh.
Ngành cũng sẽ hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác. Phát triển hệ sinh thái ngành hàng; trong đó doanh nghiệp đầu tầu đảm bảo vai trò hạt nhân; phát triển hợp tác xã với chuỗi giá trị; đồng thời đổi mới, nâng cao vai trò của hội, hiệp hội…, ông Trần Công Thắng cho hay.
Theo ông Trần Công Thắng, trong giai đoạn mới nếu muốn nâng cao quy mô sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân, hiệu quả thì bắt buộc phải hợp tác. Với nông dân thì kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… là mô hình tốt đã được khẳng định thì cần thúc đẩy phát triển hơn. Việc phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà kể cả ngành hàng nhỏ có lợi thế của địa phương để chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Ngành sẽ phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để mang đến những giá trị mới bằng việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn cũng sẽ hướng đến một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo