Thị trường

Cà Mau: Hiệu quả từ đưa “màu” xuống ruộng

Mặc dù khô hạn kéo dài nhưng bà con trồng rau màu tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình vẫn có thu nhập tốt nhờ đưa màu xuống ruộng.

Vĩnh Long: Thu lời lớn từ trái Thanh long ruột đỏ mùa nghịch / Hà Giang: Vươn lên làm giàu từ nuôi ong lấy mật

Thoát nghèo nhờ trồng màu

Còn nhớ cách đây khoảng 3 năm, có lần về ấp Đầu Nai, một trong những ấp có diện tích đưa màu xuống ruộng lớn nhất xã Tân Phú, huyện Thới Bình, chúng tôi được ghé thăm gia đình vợ chồng anh Lâm Văn Đón. Khi đó vợ chồng anh Đón là một trong những hộ khó khăn của ấp, đất sản xuất còn ít. Vậy mà lần trở lại này, được biết vợ chồng anh Đón đã thoát nghèo, còn mướn thêm được 6 công đất để canh tác. Suốt cuộc trò chuyện, niềm vui cũng như hành trình thoát nghèo của anh nông dân cần cù này luôn gắn liền với những câu chuyện hoa màu.

Gia đình đông anh em nên khi cưới vợ ra riêng, anh Đón phải tự mua 1,5 công đất để sản xuất. Từ ngày có đất, anh Đón gác lại việc làm mướn, tập trung vào cải tạo đất để trồng trọt. Thấy bà con trong xóm thành công nhờ đưa màu xuống ruộng, anh Đón cũng học hỏi làm theo. Với 1,5 công đất ít ỏi, anh Đón xuống giống mỗi năm 2 vụ màu và 1 vụ lúa.

Nửa công đất xung quanh nhà ở, anh Đón trồng khổ qua, diện tích đất còn lại anh chỉ trồng toàn dưa leo. “Từ lúc mới bắt đầu trồng màu, tôi cũng đã thử một vài loại khác như bầu, bí nhưng năng suất vẫn không cao như dưa leo. Nếu giá dưa leo bán ra được từ 4.000 đồng/kg là nông dân đã có lời”, anh Đón giải thích.

Anh Lâm Văn Đón, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình đưa màu xuống ruộng.

Anh Lâm Văn Đón, ấp Đầu Nai, xã Tân Phú vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình đưa màu xuống ruộng.

Nhờ 1,5 công đất ban đầu sản xuất hiệu quả, anh Đón mới có vốn mướn được thêm 6 công đất ruộng nữa để trồng màu. “Chỉ tính riêng 1,5 công đất của nhà, mỗi năm 2 vụ màu, trừ hết các chi phí, tôi thu lời được gần cả trăm triệu đồng. Còn lại vụ lúa chỉ để có gạo ăn trong nhà. Tính ra 2 vụ màu mới là thu nhập chính”, anh Đón tính toán.

“Làm màu tính ra cực lắm, nhưng mà lời hơn làm lúa nhiều. Gia đình tôi có thu nhập ổn định như hôm nay là nhờ mô hình đưa màu xuống ruộng này. Những người nông dân ít đất sản xuất như gia đình tôi, xem nó như một cứu cánh để thoát nghèo bền vững”, anh Đón phấn khởi chia sẻ.

Giữ lấy ruộng màu

Toàn xã Tân Phú, huyện Thới Bình hiện có 50 ha trồng lúa 2 vụ, nhưng chỉ có hơn 3,5 ha là còn áp dụng mô hình đưa màu xuống ruộng. Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú Lê Văn Quý, mô hình đưa màu xuống ruộng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác theo mô hình này dần thu hẹp lại là do bà con đang chuyển đổi sản xuất sang vụ lúa, vụ tôm. Đặc biệt là từ khi hiệu quả con tôm càng xanh đang được nhân rộng trên địa bàn.

 

Ông Nguyễn Văn Chẵn, một trong những lão nông còn duy trì diện tích đất sản xuất theo mô hình đưa màu xuống ruộng lớn nhất ấp Đầu Nai, xã Tân Phú, nói vui: “Ngày xưa ông bà mình hay nói một công rẫy bằng bảy công ruộng, tôi thấy đâu có sai, thậm chí nó còn cho lời gấp 10 lần công ruộng nữa”.

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng dưa leo đã xuống giống hơn nửa tháng, ông Chẵn không khỏi vui mừng khi đợt lấp vụ này dưa phát triển xanh tốt. Ông Chẵn cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi làm lấp vụ, vừa thu hoạch xong vụ màu trước thì tiếp tục xuống giống cho vụ sau. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, vừa là để tôi thử nghiệm để áp dụng cho những lần sau”.

Trong khi những hộ lân cận đang chuyển dần sang vụ lúa vụ tôm thì hơn chục năm nay, ông Chẵn vẫn duy trì làm 1 vụ màu xen vào 2 vụ lúa. Theo ông Chẵn tính toán, cứ 8 công đất ruộng, mỗi vụ màu trừ tất cả chi phí ông cũng cầm chắc trong tay trên 200 triệu đồng. Mà thời gian từ màu xuống giống cho đến khi thu hoạch hết mùa chỉ khoảng 2 tháng rưỡi.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Chẵn còn ví ruộng màu của mình như một “công ty” thật đặc biệt. “Gia đình tôi suốt ngày ngoài rẫy, tính như mình đi làm mướn cho nhà khỏi đi đâu xa. Mỗi vụ màu nhà tôi còn mướn cả chục người, từ người trẻ đến người đã 70 tuổi. Họ phụ tôi làm chăm sóc rẫy như cột chèo, tưới nước, phân... Tôi mê làm rẫy, nên nếu có chuyển làm vuông, tôi vẫn khoanh lại 10 công đất để sản xuất hoa màu và lúa”, ông Chẵn phân trần.

Trưởng ấp Đầu Nai, xã Tân Phú Trần Văn Thế thông tin: “Bà con ở ấp Đầu Nai giờ đã chuyển đổi sản xuất theo hướng vụ lúa, vụ tôm. Diện tích trồng màu chỉ còn hơn 2 ha. Những hộ dân vẫn quyết tâm giữ lại vụ hoa màu trên đất ruộng đều có kinh tế rất ổn định”.

 

“Mặc dù mô hình màu cho hiệu quả kinh tế nhưng bà con vẫn có hướng chuyển đổi sang vụ lúa, vụ tôm là do hoa màu bà con trồng chưa có công ty ký kết hợp đồng thu mua nên sản phẩm đầu ra bị thương lái ép giá, bà con đâm ra chán nản. Mặt khác, sản xuất hoa màu cũng rất vất vả nên bà con cũng muốn chuyển hướng nuôi tôm. Nếu tính ra chi phí, nhân công thì hoa màu lời hơn cây lúa, con tôm rất nhiều. Tuy nhiên, toàn xã chỉ còn 2 ấp Đầu Nai và Nhà Máy B là trồng màu dưới ruộng, nhưng diện tích cũng ít”, ông Lê Văn Quý cho biết thêm.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm