Thị trường

Vĩnh Long: Thu lời lớn từ trái Thanh long ruột đỏ mùa nghịch

Tam Bình đang là địa phương có diện tích trồng thanh long ruột đỏ rộng bậc nhất tỉnh Vĩnh Long. Đặc biệt, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đang giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Hải Dương xuất lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên sang Nhật Bản / ASEAN sớm hành động mở cửa thị trường du lịch và nông nghiệp công nghệ cao

Thanh long ruột đỏ đang là cây thế mạnh tại Tam Bình (Ảnh TL)

Thanh long ruột đỏ đang là cây thế mạnh tại Tam Bình (Ảnh TL)

Thúc đẩy cây thế mạnh

Theo thống kê, toàn huyện Tam Bình hiện có trên 100 hộ dân trồng thanh long ruột đỏ với tổng diện tích hơn 50 ha, tập trung nhiều ở các xã Tường Lộc, Loan Mỹ, Hậu Lộc, Phú Lộc …

Với diện tích khá lớn, thanh long được xác định loại trái cây chiến lược trong xóa đói, giảm nghèo của địa phương, được các ngành hữu quan và nông dân chọn làm giải pháp đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cây thanh long được đánh giá có nhiều lợi thế như giá cả bình quân ở mức cao (dù nhiều thời điểm gặp khó), dễ tiêu thụ nhất là khi các thị trường xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng thuận lợi và mở rộng bởi chất lượng quả thơm, ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trái thanh long, ông Nguyễn Hoàng Bảo (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) cho biết ban đầu, gia đình ông trồng thử nghiệm trên diện tích 4.000m2 với 400 trụ tương đương với 1600 hom giống thanh long, mỗi trụ 4 hom giống.

Sau hơn 14 tháng trồng, vườn thanh long bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ban đầu đạt 6 - 8kg trái/trụ. Điều đáng mừng là giá thanh long ruột đỏ luôn có giá bán cao hơn từ 2 đến 3 lần so với thanh long ruột trắng tại cùng thời điểm thu hoạch.

Với giá bán bình quân vào mùa thuận, thanh long có giá từ 23.000 đến khoảng 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi công ông Bảo thu lợi nhuận từ 32 đến 35 triệu đồng/năm.

Từ nguồn lợi đầy hấp dẫn trên ông Bảo đã mở rộng diện tích trồng lên đến 2 ha, mỗi năm ông thu lợi hàng trăm triệu đồng từ vườn thanh long ruột đỏ của mình. Nhờ trái thanh long, gia đình ông Bảo từ hộ gặp khó về kinh tế trở nên khá giả.

Điều đáng mừng là hiện có rất nhiều nhà vườn trồng thanh long đã áp dụng rất thành công việc cho trái mùa nghịch, với giá bán cao gấp đôi với mùa thuận. Trong đó, biện pháp “xông đèn” cho trái thanh long đã và đang được áp dụng rất thành công.

 

Các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả của trái thanh long (Ảnh TL)

Các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả của trái thanh long (Ảnh TL)

Các HTX, tổ hợp tác tham gia tích cực

Trong xu thế phát triển chung của mô hình trồng thanh long ruột đỏ, khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn huyện Tam Bình đang có những đóng góp tích cực, trở thành điểm tựa phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu bền vững cho người dân.

 

Điểm sáng lớn nhất phải kể đến HTX thanh long Hậu Lộc (xã Hậu Lộc). Hiện tại, HTX Hậu Lộc đang có 40 thành viên, sản xuất chuyên canh trên tổng diện tích hơn 26 ha. 100% thành viên HTX hiện đang nắm vững kỹ thuật trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP.

Kết quả sản xuất cho thấy, nhờ canh tác an toàn, sản lượng thanh long của HTX tăng 2 - 3 lần, cây thanh long cho quả sau 11 - 13 tháng, thu hoạch 10 - 12 đợt/năm. Nhờ trồng thanh long, tất cả thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Ông Nguyễn Hoàng Bảo (xã Hậu Lộc) chia sẻ: “Vào mùa thuận, thanh long có giá bình quân 23.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi công người trồng sẽ có lời 32 - 35 triệu đồng/năm. Với phương thức sản xuất khoa học thì việc thoát nghèo, làm giàu từ thanh long “dễ như trở bàn tay” với các nhà vườn”.

Cũng có thể kể đến tổ hợp tác (THT) thanh long ruột đỏ Mỹ Lộc (xã Mỹ Lộc). Thành lập từ tháng 6/2018, hiện THT có 32 thành viên với tổng diện tích 15,6ha.

Với quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc (do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Vĩnh Long hỗ trợ), nên đầu ra của THT khá ổn định.

 

Theo đánh giá từ các nhà chuyên môn, trồng cây thanh long ruột đỏ không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết được diện tích đất vườn tạp, đất trống.

Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao nhất, nông dân cần có sự liên kết trong sản xuất, phải thành lập các HTX, THT sản xuất theo mô hình VietGAP, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán, mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm