Thị trường

Cà Mau: HTX thuỷ sản Cái Bát mở 'cánh cửa' mới cho nông hộ nuôi tôm

Nhờ áp dụng những hình thức sản xuất, liên kết theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao, mà những năm gần đây, HTX Thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ - huyện Cái Nước - tỉnh Cà Mau) đã tìm ra “chìa khóa vàng” giúp nâng tầm vị thế con tôm của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

TP.HCM: Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19 / Có thể không đi du lịch, không đi xem phim, nhưng không thể không... ăn vì Covid-19

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đã giúp HTX Thủy sản Cái Bát trở thành một trong những HTX nổi bật tại tỉnh Cà Mau (Ảnh:Internet)

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đã giúp HTX Thủy sản Cái Bát trở thành một trong những HTX nổi bật tại tỉnh Cà Mau (Ảnh:Internet)

Trong những HTX nuôi tôm của tỉnh Cà Mau, HTX Thủy sản Cái Bát là cái tên nổi bật được liên minh HTX tỉnh Cà Mau chọn là một trong 3 HTX điển hình trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với tiêu chuẩn nuôi tôm ASC (tiêu chuẩn được xây dựng dựa theo hướng dẫn của tổ chức Liên minh Quốc tế về công nhận và dán nhãn môi Trường & xã hội) và chuỗi liên kết sản xuất khép kín.

Liên kết chặt chẽ

Được thành lập ngày 19/12/2012 với 12 thành viên ban đầu và 47 ha đất nuôi tôm, đến nay, HTX Cái Bát đã có 127 thành viên với 430 ha, trong đó có 10 ha nuôi tôm siêu thâm canh, 86 ha nuôi thâm canh, còn lại nuôi quảng canh, được đánh giá là hợp tác xã kiểu mới, liên kết được với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế nông hộ phát triển.

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thủy sản Cái Bát - Ông Nguyễn Văn Lâm, thành công ngày hôm nay của HTX chủ yếu là nhờ mô hình liên kết chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra trong nuôi tôm, đây giống như chiếc “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa mới cho những nông hộ nuôi tôm ở Cà Mau.

 

Ông Lâm cho biết, trước đây, hoạt động nuôi tôm ở địa phương hầu hết là riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm”, nên năng suất không cao, chất lượng không đồng đều, giá cả bấp bênh. Nhưng từ khi thành lập, thành viên HTX được các cán bộ trên huyện, xã xuống hỗ trợ, hướng dẫn tận tình, tuân thủ triệt để quy trình nuôi, cải tạo ao đầm đồng loạt, triển khai thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Trên tinh thần đó, HTX ký hợp đồng mua vi sinh với Công ty Trúc Anh, mua con giống với Công ty Miền Trung VN, liên kết với Công ty CP Chế biến và XNK Thanh Đoàn để thực hiện nuôi tôm sạch, đảm bảo đầu vào và đầu ra ổn định.

Bên cạnh đó, HTX cũng có chính sách hỗ trợ các thành viên tham gia mua con giống với giá rẻ hơn 15 đồng/con, thức ăn rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg và thuốc thú y, chế phẩm sinh học… rẻ hơn từ 20 - 25% so với bên ngoài.Ngoài ra, thành viên còn được doanh nghiệp hỗ trợ vốn. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các thành viên áp dụng KH-KT, cải tạo ao hồ theo tiêu chuẩn.

Sản phẩm tôm của HTX đang được các thị trường lớn trong và ngoài nước thu mua với giá cao (Ảnh:Internet)

Sản phẩm tôm của HTX đang được các thị trường lớn trong và ngoài nước thu mua với giá cao (Ảnh:Internet)

 

Tầm nhìn xa hơn

Nhờ tích cực áp dụng mô hình liên kết trên, hiện nay, HTX đã có 36 ha nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC, được Công ty Thanh Đoàn hỗ trợ 5 triệu đồng/ha nuôi tôm quảng canh và 8 triệu đồng/ha nuôi tôm thâm canh. Tôm nuôi sau khi thu hoạch cũng được công ty thu mua với giá tương đương thị trường hoặc cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, ngoài cung cấp cho các công ty này, HTX còn được các thị trường lớn như ĐBSCL, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội quan tâm và tìm đến thu mua với giá cao.

Từ đó, HTX tiếp tục phát triển thêm cua, tôm sú lớn, tôm chà bông, tôm khô, bồn bồn/chả cá/phồng tôm giúp tăng thu nhập cho mỗi thành viên mỗi tháng từ 3,5-5 triệu đồng.

Chính từ hiệu quả và sự công khai, minh bạch trong tất cả các khâu hoạt động của ban lãnh đạo HTX, người nuôi tôm bắt đầu nhận thức được những lợi ích khi tham gia sản xuất hợp tác, nên số lượng thành viên tăng lên rất nhanh.

 

Với những thành công đạt được và hướng tới mục tiêu đưa con tôm Cà Mau phát triển hơn nữa, góp phần đưa Cà Mau trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao, HTX Cái Bát đang tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tìm kiếm, xây dựng mô hình liên kết mới với sự tham gia tích cực và gắn trách nhiệm từ các bên trong chuỗi giá trị.

Để làm được điều này, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau sẽ triển khai những chính sách ưu đãi như: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm