Cà phê cảnh quan - hướng phát triển bền vững của ngành cà phê Đắk Lắk
Thị trường nông sản tuần qua: Lúa gạo, cà phê tiếp tục đà tăng giá / Cà phê Việt tìm cách chinh phục người châu Âu
Đắk Lắk là địa phương sản xuất cà phê lớn nhất cả nước với diện tích hơn 208.000 ha. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như góp phần bảo vệ môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, từ năm 2018 đến nay, hàng ngàn hộ dân ở huyện Krông Năng đã liên kết hình thành vùng cảnh quan cà phê bền vững. Mô hình với sự tương hỗ của các loại cây trồng có lợi trong sinh cảnh thuận tự nhiên bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Gắn bó với cây cà phê hơn 20 năm, nhưng nay, ông Tạ Duy Thanh ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng mới có cảm giác nhẹ nhàng thư thái mỗi khi bước vào vườn cà phê. Vườn cây của gia đình được kiến tạo đa tầng từ cao đến thấp và được bố trí phù hợp thông thoáng, ánh sáng trải đều, cảnh quan sinh động, nên làm việc trong vườn có cảm giác được trải nghiệm, thăm thú chứ không chỉ cảm giác lao động như trước.
“Từ khi chúng tôi tham gia vào chương trình cà phê bền vững, được đi tập huấn giảm được lượng phân bón hoá học rất là nhiều. Bây giờ chúng tôi dùng tăng lượng phân vi sinh hữu cơ cho nên cây cà phê, cây tiêu và cây ăn trái tốt xanh và cho thu nhập ổn định” - ông Tạ Duy Thanh chia sẻ.
Vườn cây của gia đình ông Tạ Duy Thanh là 1 trong số trong số gần 5.200 ha của 4.000 hộ tham gia chương trình cụm cảnh quan bền vững ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk do công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 (Simexco) Đắk Lắk đã phối hợp cùng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai từ năm 2018. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc dự án cà phê bền vững cho biết, mô hình được xây dựng xuất phát từ nhu cầu của các đối tác nước ngoài, mục tiêu là vừa sản xuất vừa bảo tồn nguồn tài nguyên, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Cà phê cảnh quan lấy cây cà phê làm chủ đạo, thiết kế trồng xen các loại cây che nắng, chắn gió, cây thảm phủ, cây làm đai cách ly, giúp vườn cà phê đẹp hơn, phát triển tốt hơn trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Quan trọng hơn thu nhập của các gia đình đã được cải thiện từ các cây trồng trong vườn, như hồ tiêu, mắc ca, chanh dây…
“Đối với Simexco hiện nay cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê và hồ tiêu cho người nông dân trong cụm cảnh quan và hướng tới nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân đó là cà phê trong cụm cảnh quan được chế biến theo phương pháp chất lượng cao và cà phê đặc sản điều đó sẽ đưa lại cho người dân lợi nhuận cao hơn” - ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
Theo TS. Phạm Công Trí, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, thị trường cà phê nói riêng, nông sản Đắk Lắk nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm khi các hiệp định thương mại tự do đang bắt đầu có hiệu lực, song các rào cản về kỹ thuật, các chứng nhận liên quan đang đặt ra nhiều thách thức. Việc phát triển cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu. Canh tác cảnh quan cà phê chính là quá trình hoàn thiện, cải tiến và thúc đẩy tiểu hệ sinh cảnh cà phê tiệm cận hệ sinh thái rừng hiệu quả, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
“Hiện nay, xem hệ thống nông lâm kết hợp là xương sống, với góc nhìn hệ thống nông nghiệp vùng nông nghiệp là một kiểu rừng. Nếu vùng sản xuất này có đủ hoặc tiếp cận tính chất rừng thì mọi chứng nhận đều trở nên đơn giản” - TS. Phạm Công Trí nói.
Trong báo cáo tại hội nghị đánh giá chương trình cà phê cảnh quan mới đây, mô hình đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê; giảm 11% chi phí sản xuất và giảm 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.
Đắk Lắk hiện có khoảng 203.000 ha trồng cà phê, trong đó diện tích trồng xen hơn 39.000 ha (chiến hơn 19%). Trong đề án phát triển cà phê bền vững, Đắk Lắk đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 90.000 ha cảnh quan bền vững để xác nhận thương mại hoá diện rộng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo