Cách ly xã hội từ 0h ngày 1/4: Người Sài Gòn ào ào đi mua thực phẩm, siêu thị khuyên người dân hãy bình tĩnh
Ngành gỗ trước 'thảm cảnh' không có đơn hàng từ tháng 4/2020 / Covid-19: VNREA đề xuất giãn thuế và tiền thuê đất, "giải cứu" doanh nghiệp bất động sản
Lại chen nhau vào siêu thị mua thực phẩm dự trữ
Hôm nay (31/3), Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, người dân thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Trước Chỉ thị có hiệu lực, nhiều người dân đã đổ xô đến các siêu thị để tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm. Ghi nhận tại một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM, rất đông người dân chen chúc nhau đi mua hàng.Những mặt hàng chủ yếu được mua là mỳ tôm, trứng, thịt, rau củ, giấy vệ sinh và nhiều loại thức ăn đóng hộp khác.
Sau khi có Chỉ thị cách ly toàn xã hội, rất đông người dân chen chúc nhau đi mua hàng.
Chị Thanh cùng chồng đi mua một số nhu yếu phẩm cần thiết trước chỉ thị cách ly toàn xã hội tại cửa hàng Bách hoá xanh trên đường Cầu Xéo (quận Tân Phú) cho biết, đi mua đồ bây giờ thì vẫn còn sớm chứ để đến tối thì sợ quá tải, hoặc hết hàng siêu thị chưa kịp nhập về. Hơn nữa, đi mua sớm thì yên tâm hơn. Nhà chị Thanh chỉ mua thêm đồ đủ dùng cho 1 tuần vì trước đó, chị đã mua một ít.
Còn tại siêu thị Vinmart tại đường Ni Sư Huỳnh Liên (quận Tân Bình), người dân đến mua đông hơn đầu giờ sáng. Các mặt hàng được lựa chọn nhiều là mỳ tôm, giấy vệ sinh, rau củ quả. Tại quầy rau rủ quả, một số kệ đã có dấu hiệu vơi. Trong khi đó, các mặt hàng khác như mì tôm, dầu ăn... còn nhiều. Dù phải xếp hàng thanh toán nhưng người mua luôn giữ khoảng cách an toàn.
Anh Hoàng (trú quận Tân Bình) cho hay, sau khi nắm được thông tin thực hiện cách ly toàn xã hội, anh ra siêu thị mua một thùng mì tôm và 1kg bánh đa khô về nấu ăn sáng cho cả gia đình. “Tình trạng diễn biến phức tạp của Covid- 19 khiến chúng tôi rất lo lắng. Tôi đi siêu thị thì thấy mọi người đi mua đông, sợ hết hàng nên cũng tranh thủ mua một ít thực phẩm cần dùng”, anh Hoàng cho biết.
Người dân đổ xô mua sắm tại Vinmart.
Không như những người khác, chị Duyên (trú quận Tân Phú) cho hay, gia đình chị chỉ mua mặt những mặt hàng nhu yếu phẩm chỉ dùng trong ngày vì biết rằng thực phẩm vẫn được các siêu thị đảm bảo cung ứng đầy đủ trong thời gian dịch bệnh.
“Tôi cũng có nghe thông tin cách ly toàn xã hội, nhưng vì nhà hết đồ nên tiện ghé mua, chứ không có nhu cầu tích trữ vì từ ngày có dịch Covid-19, siêu thị gần nhà tôi chưa khi nào khan hiếm bất kỳ hàng hoá gì, những ngày tới siêu thị vẫn hoạt động bình thường. Vì vậy, việc tích trữ là không cần thiết, không phải ăn thực phẩm để lâu, không tươi ngon…”, chị Duyên cho hay.
TP.HCM cam kết đủ hàng bán cho người dân, không tăng giá nhu yếu phẩm
Theo Sở Công Thương TP.HCM, trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội cơ quan này đã chuẩn bị nguồn hàng hóa để cung ứng đủ cho người dân.
Cụ thể, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, đã phối hợp sở ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hoá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời giancách ly toàn xã hội.
Theo đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hiện nay lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% -50% nhu cầu thị trường. Mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc, các chợ đầu mối chiếm 60 - 70% thị phần và từ các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần.
Đại diện các siêu thị trên địa bàn TP.HCM cam kết sẽ chuẩn bị nguồn hàng hoá dồi dào cũng như đẩy mạnh giao hàng tại nhà.
Trong đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đảm bảo cung ứng lương thực là 3.830 tấn/tháng, đường 2.017 tấn/tháng, dầu ăn 1.072 tấn/tháng, thịt gia súc 6.238 tấn/tháng, thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng, trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng, thực phẩm chế biến 728,9 tấn/tháng, rau củ quả 7.395 tấn/tháng, thủy hải sản 184,5 tấn/tháng, gia vị 634,8 tấn/tháng.
Đối với mặt hàng khẩu trang y tế, qua báo cáo của 23 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế năng lực sản xuất là 2.957.000 cái/ngày. Về khẩu trang vải kháng khuẩn, Sở đã ký hợp đồng phân phối với 22 doanh nghiệp với tổng cộng là 56,5 triệu cái.
Về cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch, bà Trang cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế cung cấp suất ăn miễn phí và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị cách ly, lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng, người phục vụ tham gia chống dịch, bình quân trên 10.000 suất ăn/ngày.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh … Ông Đức khẳng định người dân có thể ăn 3- 6 tháng cũng không hết. Bà con có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa.
Theo ông Đức, ngoài nguồn cung vào đều đặn mỗi ngày, hiện đơn vị dự trữ 11 nhóm sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, giấy vệ sinh, nước rửa.... Để có được sự ổn định này, là nhờ đơn vị nhận định được vấn đề dịch bệnh nên lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2.
“Chúng tôi cam kết sẽ không tăng giá với phần lớn sản phẩm đang được bày bán tại hệ thống các siêu thị, thậm chí đơn vị còn tổ chức rất nhiều chương trình giảm giá, chấp nhận thua lỗ để giữ giá thật tốt cho người dân”, ông Đức cho hay.
Để tiện cho việc hạn chế ra ngoài của người dân, ngoài tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm qua điện thoại, Saigon Co.op cũng tiếp nhận đơn hàng qua viber/zalo/phát phiếu mua hàng đến tận nhà khách hàng. Khách hàng chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua kênh này, siêu thị sẽ “ship” hàng về tận nhà.
Tương tự, chuỗi hệ thống VinMart, VinMart+ cũng đưa ra đề nghị tương tự, do các nhà cung cấp đã cam kết sẽ bổ sung liên tục cho toàn bộ hệ thống.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Vincommecre, cho biết không chỉ đảm bảo bình ổn giá với nguồn cung hàng hóa ổn định, chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ cũng ưu tiên chuyển hàng về các siêu thị có nhu cầu mua sắm lớn từ các nhà cung cấp lớn và uy tín, đồng thời "camkết với Bộ Công thương và sở công thương các tỉnh để đảm bảo bình ổn thị trường và nguồncung hàng hóa cho người tiêu dùng".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương