Thị trường

Cần giải pháp cấp bách để nhanh chóng phục hồi du khách quốc tế đến Việt Nam

DNVN - Ngành du lịch Việt Nam chính thức được mở cửa từ ngày 15/3/2022. Đến nay, du lịch nội địa có thể nói là đã phục hồi với những tín hiệu tốt. Tuy vậy, lượng khách du lịch quốc tế đang phục hồi rất chậm, không đạt được như kỳ vọng, trong khi du lịch quốc tế đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu của ngành công nghiệp không khói này.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 30/11/2022: USD tiếp tục tăng / Phát hiện, tạm giữ số lượng lớn nhang muỗi nhãn hiệu nước ngoài có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng

Khách nội địa 2022 sẽ đạt 100 triệu lượt
Số liệu của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) vừa công bố cho thấy, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn nhiều so với con số cả năm 2019 – thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
Trong khi đó, tháng 11/2022, Việt Nam đón 569.900 lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022 có trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Đánh giá về sự phục hồi của ngành du lịch, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, từ ngày 15/3 - thời điểm Chính phủ chính thức công bố mở cửa - cho đến nay, du lịch nội địa đã phục hồi rất tốt.
Theo mục tiêu ban đầu của Tổng cục Du lịch, trong năm nay, khách du lịch nội địa đạt 60 triệu lượt, còn khách du lịch quốc tế là 5 triệu lượt.

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam.
Nếu theo kế hoạch này, tính đến tháng 6, khách du lịch nội địa đã đạt kế hoạch của cả năm. Còn tính đến tháng 10 năm nay đã đạt khoảng 90 triệu lượt khách nội địa.
Theo dự báo của TAB, tổng lượng khách du lịch nội địa trong năm 2022 sẽ đạt được là khoảng 100 triệu - một con số kỷ lục.
Năm 2019 trước khi COVID-19 xảy ra, cao điểm nhất tổng số khách du lịch nội địa chỉ đạt khoảng 85 triệu lượt khách. Nhưng năm nay con số có thể đạt được là 100 triệu. Như vậy có thể nói, phục hồi của khách du lịch nội địa là rất mạnh mẽ.
Khách quốc tế phục hồi chậm
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban thư ký TAB, điều đáng lưu ý trong bức tranh thực sự của ngành du lịch là lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Mặc dù đã mở cửa từ lâu nhưng ngay từ đầu TAB đã phỏng đoán sẽ rất khó để đạt được con số 5 triệu như dự kiến bởi vì 11 tháng năm 2022 mới đạt 2,95 triệu lượt.
Với tốc độ như hiện nay, TAB dự báo tổng số khách du lịch quốc tế đến trong năm 2022 đạt khoảng 3,7 triệu khách quốc tế. Có nghĩa là mới chỉ đạt khoảng trên 70% một chút so với kế hoạch.

TAB dự báo tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 đạt khoảng 3,7 triệu lượt.
"Có thể nói, lượng khách du lịch quốc tế đang phục hồi rất chậm và không đạt được như kỳ vọng của những người làm trong ngành du lịch trong khi ngành du lịch lại rất cần khách du lịch quốc tế", ông Chính nhìn nhận.
Điều đáng lưu ý là số du khách quốc tế chỉ bằng khoảng 1/5 so với số khách du lịch nội địa nhưng đóng góp cho tổng doanh thu của ngành du lịch là 58%. Trong khi đó, khách du lịch nội địa mặc dù nhiều hơn rất nhiều, gấp năm lần so với khách du lịch quốc tế nhưng chỉ đóng góp được khoảng 42% vào tổng doanh thu của ngành.
"Rõ ràng khách du lịch quốc tế mặc dù rất ít nhưng đóng góp rất quan trọng cho nguồn thu của ngành. Nếu chỉ thống kê về số lượng khách thì rõ ràng đến giờ là chúng ta có thể tạm vui vẻ. Chúng ta hoàn thành tốt kế hoạch về số lượng khách nội địa nhưng vẫn lo ngại khi lượng du khách du lịch quốc tế còn ít", Trưởng Ban thư ký TAB chia sẻ.
Nhiều nguyên nhân
Câu hỏi đặt ra là vì sao khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi chưa được tốt? Ông Chính đưa ra cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine là nguyên nhân đầu tiên, khiến Việt Nam mất ngay hai thị trường du lịch. Cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia châu Âu này tác động động đến giá xăng dầu, khách du lịch lo ngại về an ninh năng lượng nên cũng hạn chế đi lại.
Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân gián tiếp của cuộc chiến Nga - Ukraine. Đó là tình hình kinh tế thế giới nhiều khó khăn, lạm phát gia tăng ở nhiều nước.
Một số nơi chưa mở cửa như Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong hoặc là mở cửa nhưng vẫn áp dụng các biện pháp cách ly như Nhật Bản. Hoặc Hàn Quốc bỏ cách ly nhưng vẫn yêu cầu về giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc giấy xét nghiệm trước khi đi du lịch. Tất cả những điều này đã cản trở ngành du lịch Việt Nam.
Về nguyên nhân chủ quan, chính sách thị thực vẫn chưa thực sự được thông thoáng như trước khi có COVID-19, gây khó cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việc áp dụng chính sách miễn thị thực trong vòng 15 ngày đối với các thị trường xa không hấp dẫn du khách. Xu hướng mới sau COVID-19 của khách du lịch từ châu Âu đến Việt Nam là từ 18 - 21 ngày. Việc Việt Nam miễn thị thực chỉ có 15 ngày khiến khách du lịch quốc tế lựa chọn Singapore, Thái Lan, Malaysia - những nước mở cửa miễn thị thực 30 ngày, thậm chí còn dài ngày hơn.
Với Việt Nam, nếu du khách muốn ở quá 15 ngày phải làm thủ tục gia hạn thị thực. Theo đúng Luật Xuất nhập cảnh của Việt Nam, gia hạn này cũng phải mất đến 5 ngày làm việc thì khách mới được gia hạn, như vậy gây tốn kém và phiền phức cho khách.
Yêu cầu khách quốc tế đến Việt Nam phải có bảo hiểm du lịch cũng là một trong những rào cản kỹ thuật làm cho lượng khách quốc tế chưa cao.
Ngoài ra, công tác tiếp thị, truyền thông để các bạn bè quốc tế biết Việt Nam thực sự đã mở cửa rồi, các điểm mở cửa như thế nào, việc giới thiệu về Việt Nam trên trang web cũng như trên các trang mạng xã hội vẫn chưa được tốt. Chúng ta cần phải cải thiện vấn đề này bởi đây chính là tiếp thị số.
Hoạt động truyền thông quốc tế cần phải xem lại, kể cả việc phối hợp với các Đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài và phải phối hợp với ngành du lịch để làm sao đẩy được thông tin về mở cửa của Việt Nam.

Cần biện pháp cấp bách
Đánh giá chung về ngành du lịch, Tổng thư ký TAB nhấn mạnh đến việc thu hút khách quốc tế. Theo đó, cần có các biện pháp cấp bách ngay trong thời điểm này. Để thu hút được khách du lịch quốc tế tốt hay không thì một trong những giải pháp mà TAB từng đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch là cần phải thành lập tổ công tác đặc biệt với sự tham gia không chỉ là các cơ quan quản lý Nhà nước từ các bộ, ngành mà còn phải có sự tham gia rất tích cực từ các đại diện cho khối doanh nghiệp và hiệp hội.
Khi đó mọi thông tin mới được nắm bắt và được giải quyết một cách nhanh chóng. Ngay trong chính sách của Chính phủ cũng cần có những chính sách nào đó để hỗ trợ kịp thời cho ngành du lịch. Chẳng hạn ngành du lịch mong muốn được Nhà nước áp dụng giá điện như giá điện sản xuất. Bởi vì ngành du lịch chính là một trong những ngành kinh tế, sản xuất đóng góp quan trọng vào kinh tế đất nước, nhưng hiện đang phải chịu mức giá điện cao hơn nhiều so với mức giá điện sản xuất.
"Việc Chính phủ tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp du lịch sẽ giúp ngành du lịch phục hồi nhanh chóng, qua đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước", ông Chính nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm