Thị trường

Cần những chính sách thúc đẩy sản xuất đồ gỗ

Tăng trưởng ngành gỗ năm 2018 hơn 16% nhưng chủ yếu phần tăng trưởng vẫn nằm ở việc xuất khẩu nguyên liệu. Để có một ngành sản xuất vững mạnh cần thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội, ngoại thất.

BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Tiêu thụ xe hơi dịp Tết tăng kỷ lục, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ khởi sắc / Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng ngoạn mục ở mức 2 con số

Nhiều sản phẩm gỗ nội thất của Việt Nam đã xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu... - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Còn nhiều khó khăn

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, cả nước có khoảng 4.500 DN chế biến gỗ và lâm sản, trong đó DN tư nhân chiếm 95%; khoảng 3,5% DN có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số DN chế biến sản phẩm XK trên 1.800 DN, tăng hơn 300 DN so với năm 2017. Trong đó, DN trong nước chiếm 65%, còn lại là DN có vốn đầu tư hoặc liên kết, liên doanh với DN nước ngoài.

Các thị trường XK ngày càng đưa ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, nguồn gốc gỗ, gỗ NK phải đảm bảo 100% gỗ sạch. Các thị trường chính Việt Nam NK gỗ nguyên liệu gồm: Các nước có nguồn nguyên liệu có tính pháp lý cao như: Hoa Kỳ, Chile, New Zeland, các nước EU và từ các nước có rủi ro cao như Lào, Campuchia, Châu phi... Do đó, việc lựa chọn thị trường gỗ NK 100% gỗ sạch là một thách thức với DN. Để có nguồn cung ứng gỗ sạch 100% thì chi phí nguyên liệu gỗ sẽ tăng lên trong cơ cấu giá thành 1 m3 gỗ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, một khó khăn nữa là hiện có quá nhiều tổ chức và cá nhân NK gỗ (trên 2.500 đơn vị). NK gỗ khối lượng lớn từ nhiều quốc gia khác nhau và bằng nhiều đường khác nhau dẫn đến việc tranh mua, tranh bán, ép giá. Để tháo gỡ cần tiến hành xây dựng các cụm xẻ sơ chế ở vùng nguyên liệu và các trung tâm phân phối gỗ tập trung quy mô lớn ở các vùng trên toàn quốc.

Cùng với đó, tuy lượng cung gỗ trong nước đã và đang từng bước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như XK nhưng trong chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ trong nước, trừ gỗ cao su, gỗ vườn nhà, còn lại gỗ rừng trồng chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ, năng xuất thấp và chất lượng không cao. Khối lượng gỗ lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất thì rất nhỏ. Các nút thắt này làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.

 

Ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh: “Phân tích cụ thể dễ thấy, đối với gỗ cao su: Sản lượng khai thác có hạn. Diện tích cây cao su đã định hình khoảng gần 1 triệu ha, mỗi năm thanh lý trên dưới 15.000 ha. Do đó lượng gỗ cao su cung ứng chỉ đáp ứng tối đa không quá 5 triệu m3/năm. Đối với gỗ keo: Một số giống keo đang có nguy cơ giảm về năng suất và chất lượng vì nguồn giống đang trong quá trình bị thoái hóa do việc cung cấp cây giống chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu nâng cao được năng suất và chất lượng rừng trồng. Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng, chủ trương chuyển đổi rừng kinh doanh gỗ nhỏ bằng rừng trồng gỗ lớn đã được ban hành và là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc triển khai còn rất hạn chế. Đặc biệt, hiện nay còn thiếu các hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi trồng gỗ lớn, thiếu vốn đầu tư theo chu kỳ kinh doanh dài ngày, rủi ro hơn”.

Cần có những chính sách thiết thực

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương với sự tăng trưởng mạnh mẽ và những cơ hội nhìn thấy được từ các hiệp định thương mại tự do vừa ký kết thì cần có những chính sách thúc đẩy sát thực hơn cho ngành gỗ.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Hiệp đề xuất các giải pháp có tác động tích cực hơn. Thứ nhất là cần có những trung tâm hội chợ đồ gỗ với quy mô xứng tầm (hiện nay có một trung tâm tại Phú Mỹ Hưng, TPHCM với diện tích hơn 28 nghìn m2 nhưng nếu nhìn các nước xung quanh như Singapore tuy không phát triển mạnh sản xuất gỗ nhưng đều có những trung tâm hội chợ gỗ lên đến 120 nghìn m2…). Thứ 2 là cần có những khu công nghiệp chuyên ngành thì việc liên kết mới thực sự dễ dàng giữa các DN chế biến, sản xuất gỗ…

Còn theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các giải pháp chính sách nên tập trung vào 3 nhóm cơ bản: Mở rộng diện tích rừng trồng; nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ; sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả, bền vững.
Các DN chế biến gỗ rất mong muốn đầu tư trồng rừng để ổn định nguồn nguyên liệu. Ví dụ, Công ty Hào Hưng muốn đầu tư 100.000 ha; các công ty như Nafoco, Woodlands, Scansia pacific... đều mong có kế hoạch đầu tư từ 30.000-50.000 ha rừng trồng cho mỗi công ty nhưng không có đất phù hợp.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, có 3 loại đất có khả năng mở rộng diện tích rừng trồng gồm: Đất rừng tự nhiên nghèo kiệt; đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và đất giao cho dân. Qua khảo sát thực tế, hiện nay chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa DN chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng. Thực tế đã có nhiều mô hình liên kết như vậy đã và đang vận hành có hiệu quả. Chính quyền ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa,… đã quan tâm và thực sự vào cuộc quản lý và hỗ trợ các mô hình liên kết này. Hộ gia đình và người dân đã bước đầu thay đổi nhận thức và ý thức về trồng rừng, tham gia vào mô hình liên kết có lợi hơn làm đơn lẻ. Tuy nhiên, rất cần có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện mô hình liên kết này có hiệu quả và bền vững. UBND các tỉnh cần có bảng thống kê các loại đất, có bao nhiều loại hình đất, diện tích đất là bao nhiêu, loại hình đất đó để làm gì? Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể và kêu gọi thu hút đầu tư.

 

Về nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, vể đảm bảo số lượng và chất lượng gỗ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, cần thiết nghiên cứu về giống và biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ chế biến gỗ và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài cây keo và cây cao su, mỡ, bồ đề đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến, cần nghiên cứu bổ sung thêm một số loại cây mới đáp ứng nhu cầu của thị trường như cây xoan đào, keo hoa vàng, cây tếch …
Đồng thời, cần đổi mới công nghệ cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng; xây dựng các cụm xẻ sơ chế tập trung quy mô lớn ở những vùng trồng tập trung; tiến hành xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Theo baochinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm