Thị trường

Thay đổi lớn về thuế: Ô tô Việt giảm giá ngay hơn 100 triệu đồng

Nếu hoàn tất cả sản xuất động cơ tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt trên 60% khi đó giá xe sẽ giảm khoảng 30% và chiếc xe 600 triệu đồng sẽ giảm 180 triệu đồng.

BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Tiêu thụ xe hơi dịp Tết tăng kỷ lục, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ khởi sắc / Xuất khẩu cá tra: ASEAN sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng

Ô tô nội sẽ được ưu đãi?

Mới đây, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến việc tiếp thu, giải trình các ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108. Tại văn bản này, Bộ Tài chính đề cập tới việc sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, sản xuất trong nước.

Theo quy định hiện hành, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (trong đó có ô tô) là giá do cơ sở sản xuất bán ra.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đề xuất phương án: giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Thay đổi lớn về thuế: Ô tô Việt giảm giá ngay hơn 100 triệu đồng  - 2

Nếu thực hiện chính sách ưu đãi sớm, giờ người tiêu dùng Việt Nam đã có thể mua được những chiếc ô tô với giá rẻ.

Theo Bộ Tài chính, mục đích sửa đổi, để khuyến khích các DN nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.

Cách đây hơn 1 năm, Bộ Công Thương cũng có đề xuất tương tự, đó là miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những linh kiện ô tô sản xuất trong nước nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Nếu đề xuất này thành hiện thực thì thời gian tới, phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước, khi lắp vào xe bán ra, sẽ được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các cơ quan chức năng và chuyên gia trong lĩnh vực ô tô đều thừa nhận, chính sách này sẽ khuyến khích DN đẩy mạnh việc tìm mua linh kiện sản xuất trong nước, thay thế cho hàng nhập khẩu. Qua đó, sẽ mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, hạ giá thành sản phẩm.

Không chỉ các DN ô tô mà người tiêu dùng cũng rất mong chờ chính sách này sớm ban hành khi giúp cho giá xe giảm và nhiều người có thể được mua ô tô với giá rẻ hơn hiện nay. Điều chắc chắn rằng, khi chính sách này được áp dụng, giá ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm. Tuy nhiên, giá xe không thể giảm mạnh ngay lập tức trong năm đầu áp dụng và giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào tỷ lệ nội địa hóa của từng mẫu xe.

 

Ô tô giá rẻ đến bao giờ?

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa với nhiều mẫu xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống tại Việt Nam chỉ ở mức 10%. Để tăng tỷ lệ nội địa hóa cần phải có thời gian. Không phải cứ tìm mua linh kiện sản xuất trong nước là có ngay bởi công nghiệp hỗ trợ ô tô của Việt Nam chưa phát triển.

Việc tìm mua linh kiện ô tô trong nước vào thời điểm này không hề dễ dàng, chủ yếu là những linh kiện đơn giản, giá trị thấp như khung ghế ngồi, lốp, ắc quy, dây điện, kính, vành đúc, bàn đạp chân ga, chân phanh,... những bộ phận quan trọng như khung gầm, động cơ, hộp số,... chưa sản xuất được.

Thay đổi lớn về thuế: Ô tô Việt giảm giá ngay hơn 100 triệu đồng  - 3

Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp ô tô và giảm giá thành một chiếc xe tối thiểu từ 15-20%, đồng thời thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển.

Mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu linh kiện ô tô với kim ngạch khoảng 4 tỷ USD/năm, những nước có ngành công nghiệp ô tôphát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan,... đang nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Việt Nam. Song những linh kiện này hiện không phù hợp với các mẫu xe trong nước.

 

Chính vì vậy, thời gian đầu giá ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tuy có giảm, nhưng sẽ không nhiều. Theo tính toán với tỷ lệ nội địa hóa 10%, một chiếc xe sản xuất trong nước chỉ giảm giá khoảng 5%. Chẳng hạn 1 chiếc xe có giá bán 600 triệu đồng sẽ chỉ giảm khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 20%, chiếc xe đó sẽ có mức giảm giá 10-12%, tương đương 60-70 triệu đồng.

Tại Việt Nam đang có những dự án đầu tư lớn vào sản xuất ô tô và tập trung vào việc sản xuất khung xe, động cơ cùng nhiều chi tiết khác. Với việc tạo ra khung xe từ thép tấm cùng một số linh kiện các DN sẽ đạt tỷ lệ nội đại hóa trên 40%. Khi đó, giá ô tô sẽ giảm khoảng 20% và chiếc xe có giá bán 600 triệu đồng sẽ giảm khoảng 120 triệu đồng.

Nếu hoàn tất cả sản xuất động cơ tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt trên 60% khi đó giá xe sẽ giảm khoảng 30% và chiếc xe 600 triệu đồng sẽ giảm 180 triệu đồng.

Những mẫu xe càng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ càng có lợi thế nhờ được hưởng ưu đãi. Không những thế, khi giá giảm sẽ giúp các DN tăng doanh số bán, gia tăng sản lượng và qua đó càng giúp hạ giá thành, càng mua nhiều linh kiện trong nước giúp cho ngành công nghiệp ô tô phát triển. Tuy nhiên, điều này không diễn ra một sớm một chiều mà cần có thêm thời gian.

Điều đáng tiếc là đến nay chính sách này mới được các cơ quan chức năng đề xuất. Từ năm 2011 có DN ô tô đã đề xuất chính sách tương tự nhưng không thành.

 

Khi đó, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã đề xuất cần tính thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô dựa trên theo hóa đơn nhập khẩu bộ linh kiện. Bộ Công Thương rất đồng tình nhưng Bộ Tài chính thì không, vì cho rằng vi phạm cam kết trong WTO. Nhưng đến nay, sau gần 1 thập kỷ, Bộ Tài chính lại đề xuất chính sách này với lý giải một số nước cũng áp dụng nhưng chỉ trong 3-5 năm, đề phòng nếu bị kiện thì “quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực”.

Nếu thực hiện sớm, bây giờ người tiêu dùng Việt Nam đã có thể mua được những chiếc ô tô với giá rẻ. Chỉ có điều, thời gian trôi qua mau và cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không còn rộng mở, ông Huyên nuối tiếc.

Theo vietnamnet.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm