Chặn sốt đất tại các địa phương có quy hoạch
Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp / Không trích lập quỹ, giá xăng có thể sẽ giảm 1.200-1.400 đồng/lít?
Giá đất tăng tại các khu vực quy hoạch lên quận
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng rà soát, báo cáo tình hình, xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể còn phải triển khai để đưa các huyện này trở thành quận trong giai đoạn 2021 - 2025.
Thông tin trên lập tức thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trên thị trường. Tình trạng nô nức kéo nhau đi xem đất lại tiếp diễn. Nhiều môi giới đã lợi dụng cơ hội này để đẩy giá đất. Câu chuyện này đã từng xảy ra tại rất nhiều địa phương như ở Phú Quốc hay Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh.
Tại huyện Hoài Đức, nhiều vị trí đẹp trong làng xã, trước đây chỉ ở mức giá 30-35 triệu đồng/m2, nay có thể được chào ở mức giá 70-80 triệu đồng/m2.
Thực tế, quy hoạch lên quận đã có từ nhiều năm trước, giá đất theo đó liên tục bị đẩy giá, nhưng đến nay, đại diện huyện Hoài Đức khẳng định, huyện vẫn còn thiếu 5 tiêu chí để lên quận.
Ông Phùng Bá Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, cho biết: "Hiện nay trên địa bàn huyện, về cơ bản các quy hoạch đã được phủ kín. Các quy hoạch các khu đô thị về cơ bản đã được phủ kín với khoảng 41 khu đô thị. Hiện huyện đang tổng hợp, điều chỉnh các quy hoạch sẵn có để triển khai các dự án tiếp theo".
Còn tại huyện Thanh Trì, lãnh đạo huyện cho biết, có thể nhìn thấy rõ nhất sự thay đổi của giá đất từ các buổi đấu giá. Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội, nói: ''Trước đây đấu giá ít người xem, sau khi đấu giá thì đã cao hơn lên. Sau khi thông tin lên quận, giá vượt gấp đôi so với trước đây".
Theo các chuyên gia, khi có thông tin được quy hoạch từ huyện lên quận thì thị trường sẽ khó tránh khỏi việc có môi giới tung thông tin, "đẩy" giá. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng 5-10%/1 năm tại các đô thị đang phát triển là hợp lý. Còn việc giá tăng vọt trong khi hạ tầng, dịch vụ chưa chuyển biến ngay lập tức là điều đáng lo ngại.
Cẩn trọng đầu tư bất động sản chạy theo quy hoạch
Một địa phương quy hoạch lên quận, hoặc thành phố luôn là tin vui đối với người dân địa phương. Nhưng thực tế, giá đất tăng đôi khi còn phụ thuộc vào hạ tầng, dịch vụ tại chính địa phương đó. Bởi vậy, không phải khu vực nào, mảnh đất nào cũng ngay lập tức sinh lời cho nhà đầu tư. Chưa kể, một số người mua đúng vào thời điểm đất bị sốt nóng, thổi giá, gần như là ở mức "đỉnh".
Cách đây nhiều năm, khi có thông tin về việc huyện Đông Anh sẽ lên quận, anh Phạm Văn Trường đã ngay lập tức đầu tư 3 mảnh đất gần đó vào đúng thời điểm thị trường đang sốt nóng để chờ giá tăng lên. Tuy nhiên, đến nay, anh đã phải bán bớt 2 mảnh, còn một mảnh đến giờ vẫn chẳng tăng giá như kỳ vọng.
Anh Phạm Văn Trường cho biết: "Tôi có đầu tư 2 dự án mà thật sự là nhớ đời, 1 là dự án ở Dương Nội - Đông Anh, tôi đầu tư vào năm 2011-2012 khi có dự án cầu Nhật Tân, tôi cũng đầu tư vào đó khoảng 2 năm, nói chung dự án cũng chậm phát triển mà dòng tiền của mình cần vào mục đích khác nên bắt buộc tôi phải bán. Thời điểm tôi mua là 33 triệu/m2, còn thời điểm bán chỉ 15 triệu/m2 nên coi như là lỗ mất hơn 1 nửa. Cái thứ 2 tôi cũng đầu tư một cái ở Vĩnh Ngọc, cũng liên quan đến cầu Nhật Tân, cũng tình trạng như thế, cũng lỗ… Đặc biệt hơn nữa tôi cũng đầu tư một mảnh đất ở Âu Cơ nhưng giá đất không tăng".
Giải pháp chặn sốt đất tại các địa phương
Việc đất đai tăng nóng còn ảnh hưởng tới quá trình thu hút đầu tư tại các địa phương, giải phóng mặt bằng cho các dự án mới. Bởi vậy, rút kinh nghiệm từ các đợt sốt đất, nhiều địa phương rất chú trọng kiểm soát các chiêu trò thổi giá đất khi có quy hoạch quan trọng.
Từ tháng 11 vừa qua, Từ Sơn đã chính thức trở thành Thành phố, trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trái với các dự đoán trước đó, lãnh đạo địa phương khẳng định, địa phương không xảy ra tình trạng sốt đất trước và sau khi lên thành phố.
Ông Lê Xuân Lợi, Bí thư Thành ủy Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Chúng tôi khẳng định không có chuyện sốt đất. Trước và hiện nay, giao dịch khách quan. Ngay từ trước, chúng tôi chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các khu đô thị và lãnh đạo các phường. Khi có thông tin về sốt đất, chúng tôi yêu cầu công khai quy hoạch, khuyến cáo người dân. Giá đất gắn với giá hạ tầng, chứ khôngphải ảo do người ta đẩy lên".
Các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng khẳng định, ngoài quy hoạch, yếu tố hạ tầng, dịch vụ mới góp phần giúp giá đất tăng bền vững, chứ không phải là sốt ảo.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội, nói: "Các khu vực đó còn phải quy hoạch rất nhiều, rất nhiều dự án thông thường không được công bố ra thị trường ngay vì còn đang lập quy hoạch. Nếu nhà đầu tư vội vàng ra quyết định để có thể đỡ nhỡ sóng, có thể đó là sự vội vàng".
Các địa phương cũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung vào việc công bố công khai thông tin về các đồ án quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn để người dân nắm được, có lựa chọn phù hợp. Hiện nay với các đồ án quy hoạch mới, nhà đầu tư có thể tham khảo ngay trên website của các địa phương, hoặc có thể tham khảo trực tiếp tại các phường, xã.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua