Thị trường

Chất lượng nước kém ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của DN lên tới gần 50%

DNVN - Thiếu hụt trong cấp nước và chất lượng nước kém đã ảnh hưởng tới khối tư nhân Việt Nam. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, nền kinh tế Việt Nam có thể bị kéo chậm lại.

Vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp / 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ bị giám sát tài chính

Đây là một trong những nội dung đã được nêu tại Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề "Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn" do WB tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường đồng tổ chức vào chiều 30/5 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã đề cập tới những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt về quản lý tài nguyên nước.
"Cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: Nếu không có những hành động quyết liệt thì tài nguyên nước, một yếu tố động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, sẽ trở thành một cản trở của sự phát triển. Nếu hành động sớm thì sẽ đảm bảo được rằng tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng lớn.
Nghiên cứu vừa được hoàn thành của WB được công bố tại hội thảo đã đi sâu vào tìm hiểu và trả lời cho câu hỏi làm thế nào để Việt Nam quản lý nguồn tài nguyên nước một cách bền vững, đưa ra một số khuyến nghị chính sách và vai trò của khu vực công và tư để quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững.
Liên quan đến góc nhìn từ khối tư nhân về cấp nước tại Việt Nam, báo cáo của WB cho rằng, khối tư nhân không ngừng lớn mạnh đã tạo tên động lực thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua. Trong quá trình chuyển đổi này, tài nguyên nước đóng một vai trò quan trọng, không chỉ giúp cải thiện sức khỏe và nguồn lực con người mà nó còn đóng góp trong sự phát triển vững mạnh của ngành công nghiệp.
Nước là đầu vào thiết yếu đối với hầu hết các ngành nghề của nền kinh tế và hơn 80% các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước sạch và đáng tin cậy do các công ty nước cung cấp. Do đó, việc quản lý tốt các công ty cấp nước và hoạt động cấp nước có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia.
Đối với hầu hết các DN, dịch vụ cấp nước hiện rất đáng tin cậy khi chỉ có 8% DN gặp phải sự cố thiếu nước trong năm qua. Tuy nhiên, ở một số khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ này có thể lên tới 27%. Mất nước có thể gây ra những tác động to lớn, khiến các DN phải chi trả trung bình là 104 triệu đồng mỗi năm (4.459 USD).
Nhiều DN dường như đã tìm được cách thích ứng với việc thiếu hụt nước bằng cách đầu tư vào thiết bị dự trữ nước.
Trong vòng 5 năm qua, 12% DN đã mua các thiết bị liên quan tới nước (bể chứa, bơm...) với mức chỉ trung bình là 5 triệu đồng. Thiếu hụt nước không ảnh hưởng gì tới chi phí của những doanh nghiệp này, chứng tỏ rằng họ đã thích ứng thành công khi nguồn nước cấp không ổn định.
Một vấn đề đáng quan ngại hơn nguồn nước cấp không ổn định là chất lượng nước kém với 14% DN cho biết chất lượng nước kém là một trở ngại lớn hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh. Đây đặc biệt là vấn đề đau đầu tại khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long - nơi việc khai thác nước quá mức, nước thải công nghiệp, ô nhiễm nông nghiệp, và xâm nhập mặn đang cùng lúc làm ô nhiễm nguồn nước một cách trầm trọng. Đối với một số DN, chất lượng nước kém ảnh hưởng tới doanh số bán hàng lên đến mức gần 50%.
WB nhận định rằng, chất lượng nước suy giảm là một trở ngại lớn trong kinh doanh tại Việt Nam. Giải quyết vấn đề này cần có các đầu tư trọng tâm, cơ chế ưu đãi thông minh hơn và các sáng kiến mới. Cụ thể, về đầu tư, WB cho rằng cần đầu tư vào thu nhập và chia sẻ thông tin là nhu cầu bức thiết; Đầu tư cho cấp nước nhiều hơn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cần đầu tư vào thu gom, xử lý à tái sử dụng nước thải sinh hoạt là một cơ hội kinh doanh tốt. Khối tư nhân có thể đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực này nếu rủi ro được giảm thiểu, vốn đầu tư được thu lại một cách thỏa đáng và có quy định cho phép tái sử dụng nước thải.
Theo WB, việc thực thi pháp luật còn quá yếu khó có thể khiến cho DN có động lực tuân thủ các quy định về môi trường. Với thực tế, việc thanh kiểm tra là không thường xuyên và thường được lên kế hoạch và báo trước cho DN, có thể thấy chi phí để tuân thủ các quy định thường cao hơn chi phí xử phạt khi không tuân thủ.
Việc công bố dữ liệu về chất lượng số lượng nước có thể giúp cho việc xây dựng các quy hoạch ở cấp lưu vực và nêu đích danh các đơn vị, cá nhân gây ô nhiễm.
DN thường là nạn nhân của chất lượng nước kém do việc này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động cơ sở của họ. DN có thể đồng thuận trong việc phí bảo vệ môi trường cho nước thải và tăng mức xử phạt khi không tuân thủ quy định nếu đảm bảo rằng các khoản thu từ phí này sẽ được dành lại cho địa phương sử dụng, đem lại lợi ích trực tiếp cho DN.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm