Thị trường

Chè Việt Nam nếu gia công tốt có thể cạnh tranh ở Trung Quốc

Một số chuyên gia kinh doanh chè tại Trung Quốc đưa ra các điều kiện để chè Việt Nam tiêu thụ tại thị trường tỷ dân.

Thay đổi công nghệ

“Trung Quốc có lẽ không mặn mà lắm với cà phê, nhưng chè thì chỉ cần ngon miệng, bao nhiêu cũng có thể tiêu thụ hết. Lúc nãy tôi có uống thử chè Việt Nam, chất lượng gia công hơi yếu”, Lữ Qua, công tác tại Cty tư vấn quốc tế Wise, cho biết bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc về hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê, diễn ra tại Hà Nội hôm 14/10.

Cty của Lữ chuyên giao dịch nông sản, có trụ sở tại Hải Phòng, công ty mẹ nằm tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Lữ cho rằng thói quen và khẩu vị chè của người Trung Quốc đã hình thành từ lâu, nếu không cải tiến khâu gia công, chè Việt Nam rất khó bán được tại thị trường tỷ dân.

Lữ phân tích rằng khẩu vị chè của người Trung Quốc thường đậm hơn của Việt Nam.

Xét về chất lượng chè, Lữ lấy ví dụ chè Phổ Nhĩ - loại chè lừng danh Trung Quốc được trồng ở Vân Nam, vốn có đặc điểm địa hình, khí hậu tương đối gần gũi với vùng núi miền bắc Việt Nam. “Điều kiện tiên quyết, theo tôi là khâu gia công ngay tại lúc thu hoạch và gia công khi chế biến. Chè Phổ Nhĩ được tiêu thụ cực kỳ mạnh tại đông bắc Trung Quốc, nghĩa là từ đầu này đến đầu kia của nước chúng tôi. Chè Việt Nam nếu được áp dụng thêm các yếu tố nói trên, và khâu quảng bá tốt, thì tôi nghĩ cạnh tranh được”, Lữ nói.

Trong khi đó, bà Quách Bảo Tuyền, chuyên gia có 23 năm kinh nghiệm nếm chè của Cty Wise, cũng cho rằng chè của Việt Nam cần thay đổi trong cách pha chế nếu muốn vào thị trường Trung Quốc.

“Khâu sấy trà, sát trùng, cần thay đổi nhiều. Lấy ví dục như chè của Nhật Bản, khi nhắc đến thì người Trung Quốc nghĩ ngay đến thơm, đến tươi ngon”, bà Quách nói.

Một ví dụ khác được bà Quách đưa ra là chè Long Tỉnh, được pha chế thêm nhiều loại thảo dược, chứ không chỉ từ lá chè đơn thuần.

“Công nghệ đóng vai trò quan trọng, ngay cả khâu sấy khô, cũng không thể dùng nhiệt lượng từ than để sấy được. Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam cần tham khảo cách chế biến của Trung Quốc và Nhật Bản”, bà Quách nói.

Một vốn, bốn lời

Trao đổi với chúng tôi, ông Lăng Tinh Cương, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Đông Nam Á – Bằng Tường, Trung Quốc, cho biết: “Chè Việt Nam có ưu thế, ngoài khâu gia công, cần chú ý đến mẫu mã. Tôi đang bán một loại chè của Yên Bái, nếu tính bình quân mỗi 100 nhân dân tệ bỏ ra, khi bán tới tay người tiêu dùng là 400 nhân dân tệ”.

Ông Lăng không tiết lộ cụ thể về bí quyết chế biến, chỉ cho biết chè thành phẩm gần như dựa chính vào lá chè Yên Bái.

Chia sẻ quan điểm này, bà Quách nói ưu điểm của chè Việt Nam là được trồng ở khu vực ít ô nhiễm, giá trị thương phẩm cao.

Trong khi đó, bà Tiêu Phóng, Vụ trưởng Vụ quản lý giám sát an toàn chất lượng sản phẩm, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, cho biết: “Các đại diện phía Việt Nam đã nhiều lần tham dự triển lãm, hội chợ chè ở Trung Quốc và nhận được phản hồi rất tốt”.

Về xu thế phát triển cây chè tại Trung Quốc, bà Tiêu cho biết một trong những mối quan tâm hàng đầu của nước này là mô hình xanh. Trong đó, thí điểm dùng phân hữu cơ thay thế phân hóa học, tích hợp đẩy mạnh kỹ thuật xanh phòng chống sâu bệnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo nên các vườn chè sinh thái tiêu chuẩn cao.

Việt Nam có nhiều ưu thế trong hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè ở Trung Quốc. Cụ thể là Trung Quốc đang đối mặt với việc giống chè bị lão hóa. Các vườn chè lâu năm có độ tuổi 25 năm trở lên chiếm ¼ diện tích, cây chậm phát triển, dinh dưỡng mất cân bằng, sản lượng thấp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thiếu hụt công nhân hái chè lành nghề, gây khó khăn cho việc sản xuất chè chất lượng cao, chi phí nhân công tăng mỗi năm...

Theo Văn Việt/Tùng Đinh/Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo