Chi phí sản xuất "leo thang" tạo áp lực tăng giá hầu hết các mặt hàng
Vì sao giá nhiều mặt hàng tăng CPI tháng 4 lại giảm? / CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,29%, thấp nhất trong 5 năm qua
Sáng 5/7, Viện Kinh tế Tài chính phối hợp với Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính tổ chức “Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết: Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021.
Xét về góc độ sử dụng GDP, 6 tháng đầu năm 2022, tiêu dùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2021; tích lũy tài sản tăng 3,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%)…
Tính đến ngày 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, trong đó có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,8% (tác động CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,52% nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%; nhóm giáo dục tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%....
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021; CPI tháng 6/2022 tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với tháng 6/2021. Lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với tháng 6/2021.
“Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu. Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới”, ông Minh nói.
Dự báo về 6 tháng cuối năm 2022, theo Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố làm tăng CPI.
Đó là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu (đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón…) trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.
Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp (dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan...) sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân..
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết thị trường, giá cả ở Việt Nam có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như: Tình hình dịch bệnh (COVID-19, đậu mùa khỉ…) trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tương lai của xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như những tháng vừa qua.
Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…
“Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Vì vậy, có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3 – 3,9%”, ông Minh dự báo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo