Thị trường

Chính sách tiền tệ thời… Covid-19: Kịp thời, thận trọng và không tràn lan

Ngành ngân hàng đang hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh một cách kịp thời, nhưng thận trọng, không hỗ trợ tràn lan. Điều này sẽ hạn chế tối đa những mặt trái mà các chính sách hỗ trợ, “giải cứu” thường gây ra.

Thanh Hóa: Thu nhập cao từ nuôi hàu sữa / Rút gọn biểu đồ giá điện, không tăng giá bán lẻ

Hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách

Đầu tuần này, Ngân hàng BIDV đã tung ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Công cuộc tham gia hỗ trợ khách hàng trong đại dịch Covid-19 đã lan rộng, thu hút hàng chục ngân hàng thương mại tham gia. Ngân hàng cũng là ngành sớm nhất ban hành chính sách hỗ trợ khách hàng.

Ngân hàng là ngành sớm nhất ban hành chính sách hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Ảnh: Dũng Minh
Ngân hàng là ngành sớm nhất ban hành chính sách hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Ảnh: Dũng Minh

Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu triển khai giải pháp hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất - kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, giải pháp trên vừa thiết thực, vừa đúng đối tượng. Trên thực tế, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không phải là vốn hay lãi suất, mà chính là thị trường.

“Theo tôi, hỗ trợ lãi suất hay tín dụng hiện nay không có ý nghĩa, vì doanh nghiệp không có nhu cầu vay. Chính sách tiền tệ tham gia hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cho phép cơ cấu lại nợ là rất đúng địa chỉ, không nên đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ trên phạm vi rộng, nếu không sẽ xảy ra ‘quá đà’, khó kiểm soát”, TS. Lê Xuân Nghĩa, khuyến nghị.

Trên thực tế, 2 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống sụt giảm, tiền gửi ngân hàng tăng lên, NHNN đã phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về, tránh lạm phát.

 

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, không thể trông chờ chính sách tiền tệ sẽ kích thích tăng trưởng trở lại. Thực tế, dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, nhưng cầu tín dụng rất thấp.

TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, hiện nay, tổng cầu của thế giới và Việt Nam đều giảm sút. Người dân giảm chi tiêu không phải vì hàng hóa đắt đỏ, mà vì dịch bệnh, nên hạn chế mua sắm, du lịch. Vì vậy, mục đích giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ để kích thích chi tiêu khó mang lại hiệu quả, mà có thể khiến lạm phát bùng phát.

Tương tự, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cũng nhận định, dịch bệnh hiện nay không đơn giản chỉ là chuyện mà chính sách tài khoá hay tiền tệ có thể giải quyết được, bởi nền kinh tế Việt Nam không phải đang thiếu tiền, vấn đề là người dân và doanh nghiệp đều co cụm do lo ngại dịch bệnh.

Trao đổi về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Chúng ta không nôn nóng thắt chặt chính sách tiền tệ để xử lý vấn đề lạm phát, nhưng cũng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ là thận trọng, nhưng phải phù hợp để không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Phải giữ nền tảng ổn định vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng không chỉ cho năm nay, mà còn tăng trưởng bền vững hơn”.

Ổn định vĩ mô là tối thượng

 

Với bối cảnh hiện nay, các chuyên gia tán thành quan điểm, chính sách tiền tệ không cần nóng vội điều chỉnh về lãi suất hay tín dụng, mà chỉ cần hỗ trợ đúng địa chỉ, không hỗ trợ tràn lan làm méo mó thị trường. Mục tiêu tối thượng của chính sách tiền tệ hiện tại phải là tạo ổn định vĩ mô, cũng là tạo tiền đề, nền tảng để phối hợp với các giải pháp khác.

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhất trí quan điểm cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. “Nếu vội vàng điều chỉnh mạnh bất kỳ chính sách nào thời điểm này, có thể phá vỡ vĩ mô, rất nhiều hệ lụy đặt ra”, ông Thành nói.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi chưa đủ dữ liệu đánh giá thiệt hại, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ là chưa thật cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN cần phải có những dự báo, tính toán mức giảm GDP để có phương án điều hành phù hợp với thực tế, như tín dụng thế nào, lãi suất ra sao…

Trước mắt, điều cần tập trung làm ngay là sớm có thêm cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách khác phải phối hợp nhịp nhàng để giúp doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.

Với ngành ngân hàng, dịch bệnh cũng là một trong những cơ hội để các ngân hàng kiểm tra lại sức khỏe của mình, chuyển đổi cơ cấu hoạt động và đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm