Chính sách

“Giải cứu” nhà ở xã hội

DNVN - Theo Ths Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7/2024 mới có hiệu lực. Bởi vậy, Chính phủ cần áp dụng giải pháp trung hạn và ngắn hạn nhằm “giải cứu” nhà ở xã hội trước khi luật này được thông qua.

"Nút thắt" trong phát triển nhà ở xã hội / Xử lý hành vi đăng tin rao bán nhà ở xã hội không đúng quy định

Chia sẻ với tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Ths Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, Bộ Xây dựng đã có trình gửi Thủ tướng Chính phủ để đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Có thể thấy Chính phủ đang quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tạo nguồn cung nhà ở vừa túi tiền để từ đó “kích cầu” thị trường bất động sản.

Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 kết luận hội nghị, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp, gồm xây dựng đề án Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.

Cần giải pháp trung hạn và ngắn hạn để “giải cứu” nhà ở xã hội trước khi thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Để hiện thực hóa đề án Xây dựng 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội thì giải pháp dài hạn, căn cơ là phải sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở để đề ra những chính sách thực chất nhằm phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là việc tạo lập quỹ đất, bố trí vốn, các cơ chế ưu đãi và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

“Nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7/2024 mới có hiệu lực. Trong một năm rưỡi sắp tới, Chính phủ cần áp dụng giải pháp trung hạn và ngắn hạn nhằm “giải cứu” nhà ở xã hội, gồm sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP)”, ông Đỉnh khuyến nghị.

Theo ông Đỉnh, đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội để thí điểm một số chính sách cũng là động thái cần thiết và rất đáng hoan nghênh của cơ quan quản lý, bởi vướng mắc của chính sách nhà ở xã hội xuất phát từ bất cập của Luật Nhà ở hiện hành nên việc sửa đổi Nghị định không thể giải quyết dứt điểm; cần “can thiệp” bằng một văn bản có hiệu lực ngang luật là Nghị quyết của Quốc hội.

Tại Hội nghị giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1/2 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo, khoảng trống pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.

Tại Tờ trình số 10/TTr-BXD ngày 29/01/2023 về xây dựng Nghị quyết, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng 6 nhóm chính sách thí điểm nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, gồm: Hình thức giao đất thực hiện dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách.

Chính sách đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội là chính sách đất đai. Theo đó, chủ đầu tư được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội.

Đây là đề xuất mới so với pháp luật hiện hành. Bởi pháp luật hiện nay (Điều 110, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, Điều 58 Luật Nhà ở năm 2014) quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn 100% tiền sử dụng đất.

Theo Tờ trình của Bộ Xây dựng, đề xuất này xuất phát từ thực tiễn bởi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất thì trước tiên vẫn phải xác định tiền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm quy định về hình thức giao đất để xây dựng nhà ở xã hội theo hướng: “Trường hợp tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội thì có quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”.

“Như vậy, Bộ Xây dựng đã tiếp thu các ý kiến đề xuất của tôi cũng như một số chuyên gia trong các hội thảo xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi), giúp giải quyết đồng bộ các bất cập và tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội giảm tải thủ tục về đất đai”, ông Đỉnh nói.

Do Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7/2024 mới có hiệu lực, ông Đỉnh cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm (giả định vào kỳ họp tháng 6/2023 và có hiệu lực sau 45 ngày) sẽ tháo gỡ cho các địa phương cũng như các chủ đầu tư trước 1 năm, sớm hiện thực hóa đề án Xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm