32% tổng diện tích rừng được chứng nhận quản lý bền vững mang thương hiệu VFCS
Hà Nội dành gần 1.500 tỷ đồng bảo vệ, phát triển rừng / Hòa Bình: Cấm Công ty cổ phần Phát triển Rừng toàn cầu tổ chức hội thảo, hội nghị
Cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý rừng bền vững, trong đó lần đầu tiên ban hành bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam. Đây là nền tảng để xây dựng bộ Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững trong Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFCS.
Bộ Tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc: Bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, bền vững về môi trường. Đây là bước ngoặt giúp ngành lâm nghiệp nói chung và các chủ rừng nói riêng nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, khai thác các nguồn lợi từ rừng.
ThS Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Văn phòng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết, nguyên tắc kinh tế giữ vai trò sống còn để quản lý rừng trồng sản xuất bền vững bởi đây là cơ sở, là tiền đề cho chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng hiệu quả.
Gỗ rừng trồng hiện đáp ứng khoảng 70% - 80% cho chế biến, xuất khẩu. Với cây trồng chủ yếu là giống keo mọc nhanh, chủ rừng được hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, trồng rừng thâm canh để phát triển rừng.
Chủ rừng cũng được khuyến cáo quan tâm đặc biệt tới vấn đề sử dụng giống có nguồn gốc được kiểm soát chất lượng, ưu tiên những giống mới, năng suất cao, đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Song song với đó, chủ rừng cần lưu tâm đến trồng luân canh các dòng, giống cây khác nhau để hạn chế sâu bệnh hại.
“Trong tổng số 14.677.215 ha rừng cả nước, tính đến tháng 8/2022, diện tích được chứng nhận quản lý bền vững là 321.351 ha, trong đó diện tích được chứng nhận theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC là 103.459 ha, chiếm 32% tổng diện tích rừng được chứng nhận trên cả nước, 3 năm sau khi Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được thiết lập. Gỗ và lâm sản ngoài gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững góp phần đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 15,87 tỷ USD”, ông Tiệp nói.
Theo ông Tiệp, không có định nghĩa chính xác về "quản lý rừng bền vững", nhưng nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế thống nhất với ý kiến của Diễn đàn Liên hợp quốc về rừng (UNFF). Cụ thể, quản lý rừng bền vững nhằm mục đích duy trì và nâng cao giá trị kinh tế, xã hội và môi trường của tất cả các loại rừng, cho lợi ích hiện tại và các thế hệ tương lai.
Ông Tiệp cho rằng nước ta đã có hệ thống chính sách khá đầy đủ về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ quyền lợi của người lao động, cũng như chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người dân tộc thiểu số.
Các chính sách này đã được cụ thể hóa trong các tiêu chí, chỉ số của Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững. Vì vậy việc triển khai cấp chứng chỉ rừng theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia cũng là cơ hội để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trên của Nhà nước.
Về môi trường, ông Tiệp nhấn mạnh tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đất và nguồn nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nguy hại đến môi trường…
"Chúng tôi đã xây dựng bộ tiêu chí chặt chẽ và hướng những chủ rừng tham gia chứng chỉ rừng bảo vệ quan tâm hơn đến môi trường, từ việc chuẩn bị thực bì, làm đất, trồng và chăm sóc rừng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho tới khai thác rừng và vận chuyển lâm sản", ông Tiệp bày tỏ.
Tại Việt Nam, hàng triệu người sống phụ thuộc trực tiếp vào rừng. Để phấn đấu đến năm 2025, nước ta có 500.000 ha rừng có chứng chỉ và đến năm 2030 có 1 triệu ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, ông Tiệp khuyến nghị các chủ rừng cần quan tâm thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Chính phủ Việt Nam đã những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện rất chặt chẽ, tạo đà cho việc xuất khẩu gỗ và lâm sản mang thương hiệu VFCS. Đây sẽ là biện pháp quảng bá, tuyên truyền về hình ảnh lâm nghiệp Việt Nam tới bạn bè thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo