Chính sách

An sinh thu nhập là trụ cột trong tăng trưởng và phát triển bền vững

DNVN - Theo GS, TS Giang Thanh Long - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào thì việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.

Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ thực hiện các chương trình an sinh xã hội / Nông, lâm, thủy sản - Bệ đỡ cho nền kinh tế và an sinh xã hội

Phát biểu tại diễn đàn Quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới.

Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải bảo đảm không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Trên cơ sở đó, mục tiêu về phát triển bền vững đã được Liên Hợp Quốc xây dựng, nhằm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới.

Việt Nam cũng như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh. Trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Về tính bao trùm ở cấp độ doanh nghiệp, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 của nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh. Trong khi khu vực nhà nước giảm rõ rệt. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có khả năng đạt được cam kết phát thải bằng 0 nhanh hơn khối các doanh nghiệp trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh do hạn chế về có kinh nghiệm, vốn, và công nghệ. Do vậy, còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa “bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS, TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, các đặc trưng của công nghệ nền tảng cho kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 5.0 bao gồm: phổ biến, tiến bộ, bùng nổ và sáng tạo. Đó là sự thông dụng trong khắp các lĩnh vực kinh tế và giai tầng xã hội. Tính năng và ứng dụng được cải tiến, mở rộng không ngừng, chi phí trên đơn vị tiện ích liên tục giảm.

Đồng thời cũng là sự thâm nhập và tiến bộ nhanh chóng của công nghệ giúp thúc đẩy mạnh mẽ năng suất và nỗ lực nghiên cứu phát triển trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, tạo tiền đề cho các phát minh sáng tạo có thể còn lớn hơn.

“Những thay đổi mang tính cách mạng và chuyển đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả, hiệu suất, tính bao trùm, chất lượng cuộc sống, tính bền vững và khả năng chống chịu”, ông Khương nói.

Theo GS, TS Giang Thanh Long - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (xanh hóa, số hóa, đô thị hóa, trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đưa ra những định hướng quan trọng cho lĩnh vực này. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nếu xét theo vị thế của một nước có thu nhập trung bình. Nguy cơ “già trước khi giàu” là hiện hữu nếu như thu nhập không được cải thiện nhanh chóng.

“Dù tăng trưởng và phát triển theo xu hướng lớn trên toàn cầu nào đi nữa, thì an sinh xã hội vẫn luôn là trụ cột quan trọng, hướng tới bảo vệ những nhóm dân số dễ tổn thương nhất, dễ bị gạt ra ngoài lề nhất trong các xu hướng đó. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội nói riêng và an sinh xã hội nói chung là một trong những yêu cầu cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bao trùm ở Việt Nam trong những thập kỷ tới đây”, ông Long nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm