Chuyển đổi số

Thiếu hành lang pháp lý cho an sinh xã hội số

DNVN - Chuyển đổi số được coi là điều kiện tiên quyết để tổ chức an sinh xã hội ở Việt Nam phát triển hiện đại. Tuy vậy, về tổng thể, chuyển đổi an sinh xã hội số vẫn còn tồn tại những bất cập, trong đó đáng chú ý là thể chế, cơ chế, chính sách lĩnh vực này chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Lâm Đồng: Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp / 3 thách thức để TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế số

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhờ chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong an sinh xã hội (ASXH) là hoạt động áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại vào công tác quản lý, giám sát, chi trả, thụ hưởng giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, xã hội và người thụ hưởng ASXH, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, đóng góp, thụ hưởng ASXH ngày càng cao.

Theo TS Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng khoa Cơ bản, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT), khi các hoạt động ASXH diễn ra trên môi trường số không chỉ sẽ gia tăng và làm giàu hơn nguồn dữ liệu, tiết kiệm chi phí in sao hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt” trong ASXH.

Tính đến 15/7/2023, hệ thống thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư đã xác thực được gần 88,8 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam quản lý.


Thực hiện công tác an sinh xã hội trên môi trường số giúp đơn giản hoá giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ hơn 123,8 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho CSDL quốc gia về dân cư. Hơn 12.500 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khaiKCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, đạt 97,7% tổng số sơ sở KCB BHYT trên toàn quốc.

BHXH Việt Nam còn thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp, liên thông các TTHC, dịch vụ công trực tuyến, triển khai ứng dụng “Định danh điện tử quốc gia” (VneID), sổ sức khỏe điện tử…

“Những thay đổi trên đã giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và cán bộ y tế khilàm thủ tục KBC BHYT. Cơ quan BHXH giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT. Chỉ tính riêng năm 2022, đã tiết kiệm 24,7 tỷ đồng so với năm 2021, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin, tạo bước ngoặt, góp phần kiến tạo ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng của Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia”, ông Hùng cho biết.

Về hạ tầng số an sinh xã hội, tính đến ngày 12/7/2023, theo báo cáo của Bộ TT&TT, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối thông tin phục vụ Chính phủ số đến 1005 huyện, xã trên toàn quốc.

Nhiều bất cập

Dù vậy, theo TS Hùng, về tổng thể, chuyển đổi ASXH số vẫn còn tồn tại những bất cập cần sớm khắc phục. Trong đó, thể chế, cơ chế, chính sách ASXH số chưa đáp ứng và theo kịp yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số và Đề án 06.

Cụ thể, thiếu hành lang pháp lý cho việc thực hiện sinh trắc trong KCB BHYT, lưu trữ, sử dụng thông tin sinh trắc. Hành lang pháp lý cho việc tích hợp thông tin công dân vào chíp điện tử trên thẻ CCCD từ các giấy tờ cá nhân hay quy định về cách thức ứng dụng dữ liệu dân cư thay thế việc xuất trình các giấy tờ thụ hưởng ASXH khác cũng chưa được hoàn thiện.

Công tác thu thập thông tin ban đầu của đối tượng gặp khó khăn nên việc xác thực thông tin cá nhân ban đầu của các đối tượng thụ hưởng ASXH với CSDL quốc gia về dân cư còn chưa khớp, chưa có kết quả hoặc lúng túng trong cách đo lường đánh giá.

Hạ tầng ASXH số ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn chưa được xác thực thông tin cá nhân, chưa có phần mềm kết nối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trung gian thanh toán Đối tượng thụ hưởng ASXH ở các khu vực này chưa sẵn sàng tham gia nhận trợ cấp, nhận chi trả bằng chuyển khoản, chủ yếu vẫn dùng tiền mặt và gặp gỡ trực tiếp.

Ngoài ra, kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển còn rời rạc, cát cứ. Chia sẻ từ các nền tảng, hệ thống của các cơ quan trung ương với địa phương vẫn còn khó khăn…

Thúc đẩy phát triển công nghệ an sinh

Để chuyển đổi và xây dựng hệ thống ASXH số ở Việt Nam theo hướng tiện lợi và hiện đại, chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần đôn đốc, chỉ đạo, rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi cho chuyển đổi số ASXH phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Kịp thời ban hành hướng dẫn, quy định về việc liên thông dữ liệu từ cơ sở KCB, tạo cơ sở cho việc triển khai hồ sơ sức khỏe trên VNEID; các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết bị xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp và lưu trữ lịch sử truy vấn thông tin sinh trắc để hạn chế và ngăn chặn trục lợi ASXH.

Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng hành lang pháp lý, cụ thể là Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, tránh nguy cơ gây lộ, lọt, mất cắp dữ liệu cá nhân nói chung và ASXH nói riêng.

Từ nay đến năm 2025, cần sát sao việchoàn thiện thể chế ASXH trong kỷ nguyên số nhằm tạo ra mạng lưới ASXH số đa dạng, phong phú, sát hợp thực tiễn, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật an sinh số, hành lang pháp lý, thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào phát triển ASXH số.

Đặc biệt, cần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp an sinh hay công nghệ an sinh như một giải pháp để phát triển hệ thống ASXH hiệu quả. Thiết kế lại chính sách ASXH gắn với đào tạo nguồn nhân lực và tăng độ bao phủ…

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm