Áp thuế 10% với dịch vụ xuất khẩu có nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt
Xem xét điều chỉnh cơ chế hỗ trợ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng / Việt Nam cần làm gì để phát triển kinh tế sáng tạo?
Theo chương trình sửa đổi các luật thuế trong năm 2024, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về nội dung dự thảo Luật Thuế GTGT.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 của dự thảo, tất cả các dịch vụ xuất khẩu sẽ áp dụng thuế GTGT 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này.
Góp ý cho nội dung trên của dự thảo, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, quy định trên chưa hợp lý bởi theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.
Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, khi áp dụng thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa vẫn được khấu trừ. Thậm chí, thủ tục hoàn thuế sẽ càng đơn giản hơn vì được khấu trừ cho dịch vụ xuất khẩu. Cơ chế khấu trừ thuế này là rất tốt.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế.
“Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, bởi vì cùng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ”, VASEP nêu.
Đối với các doanh nghiệp chế xuất, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ phải tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều.
Kết quả dẫn đến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu, từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới do chính sách thuế bất lợi hơn các quốc gia khác.
Cũng theo VASEP, đối với xuất khẩu dịch vụ, Luật Thuế GTGT hiện hành cho phép hưởng thuế suất 0%. Nhưng trên thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu.
Cũng xuất phát từ lý do khó khăn trong thực thi, dự thảo này đã đề xuất không cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nữa, mà thay vào đó là áp thuế 10%.
Trước một số bất cập trên, VASEP đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành. Đồng thời, VASEP đề xuất giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Về vấn đề này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có góp ý tương tự.
Theo VCCI, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ giai đoạn đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm.
Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Mặc dù trong quá trình áp dụng, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp gian lận để trục lợi hoàn thuế, nhưng điều đó không thể phủ nhận ích lợi to lớn của chính sách thuế xuất khẩu hàng hoá 0%.
Đối với xuất khẩu dịch vụ, Luật Thuế GTGT hiện hành cho phép hưởng thuế suất 0%. Nhưng trên thực tế phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn thường bị áp mức thuế 10% do cán bộ thuế không phân biệt được đâu là dịch vụ tiêu dùng trong nước, đâu là dịch vụ xuất khẩu.
Cũng xuất phát từ lý do khó khăn trong thực thi, dự thảo này đã đề xuất không cho phép dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nữa, mà thay vào đó là áp thuế 10%.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thời gian qua, để bảo đảm hạch toán riêng giữa doanh thu từ người dùng trong nước và người dùng nước ngoài, doanh nghiệp đã buộc phải tách sản phẩm thành hai phiên bản để cung cấp cho hai thị trường khác nhau. Tuy nhiên, giải pháp này phát sinh nhiều vấn đề và làm tăng chi phí vận hành, cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp.
Nếu mở doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp cho người dùng nước ngoài, sản phẩm sẽ phải chịu hai lần thuế GTGT cho hai quốc gia. Nhưng nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng tại Việt Nam thì chỉ phải chịu một lần thuế GTGT tại Việt Nam.
Với tất cả các lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo