Chính sách

Biến thời gian ngừng việc thành thời gian đào tạo tay nghề cho nhân viên

DNVN - Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên đã chia sẻ kinh nghiệm về việc biến thời gian ngừng việc thành thời gian đào tạo, nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ các DN đào tạo nguồn nhân lực trong đại dịch Covid-19.

Thừa Thiên Huế: Ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên / Đề xuất cho doanh nghiệp du lịch trên 200 lao động được vay vốn lãi suất 0%

Trong bài tham luận tại Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình ngày 4/10/2020, ông Nguyễn Xuân Dương đưa ra kiến nghị, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để giữ vững sản xuất, ổn định đời sống và việc làm cho người lao động. Ngoài những việc như giảm thuế, phí; giảm tiền thuê đất thì doanh nghiệp rất cần Chính phủ hỗ trợ kinh phí đào tạo cho số lao động mất việc làm; để doanh nghiệp kết hợp với các trường nghề, hoặc tự tổ chức dưới sự giám sát của cơ quan lao động địa phương đào tạo nghề cho người lao động. Giúp doanh nghiệp vừa không phải sa thải người lao động; vừa đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm sau covid thì năng suất lao động tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt; giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hướng ngoại; Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 518 tỷ, xấp xỉ bằng 2 lần GDP của cả nước. Đại dịch Covid-19 làm các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm sức mua tới 50%. Theo báo cáo của đoàn công tác khảo sát của Chính phủ về ảnh hưởng của Covid-19 thì có tới 96% số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên chịu ảnh hưởng lớn nhất là các ngành vận tải, hàng không, du lịch và các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp do thiếu việc đã và đang có kế hoạch giảm bớt lao động hoặc đóng cửa nhà máy. Một số doanh nghiệp thì giảm giờ, giảm ngày làm việc và cho người lao động nghỉ luân phiên. Chính phủ thì đang chuẩn bị thông qua những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Vậy nếu doanh nghiệp chúng ta phải đối mặt với trường hợp thiếu việc thì chúng ta nên làm thế nào?

Chọn phương án để ứng phó với vấn đề thiếu việc cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố và khả năng của doanh nghiệp: Đơn hàng thiếu nhiều hay ít; Thời gian thiếu việc có xác định được không? Khả năng tài chính của doanh nghiệp để trả lương cho người lao động khi ngừng việc?

“Hầu hết các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam chúng tôi thì đang lựa chọn phương án biến thời gian ngừng việc thành thời gian đào tạo, nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực trong doanh nghiệp”, ông Dương cho biết.

Tại sao nên làm như vậy? Theo ông Nguyễn Xuân Dương, xuất phát từ một số nguyên nhân sau: Dịch Covid-19 đã đặt ra những yêu cầu mới cho doanh nghiệp cần chuyển đổi sản xuất kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến; từ bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến, online.


Dịch Covid-19 làm giảm nguồn thu của người tiêu dùng dẫn đến giảm cầu tiêu thụ (nhất là những loại hàng hóa không thiết yếu). Các nhà bán hàng có xu hướng giảm số lượng mỗi đơn hàng, giảm giá, rút ngắn thời gian cung ứng để kích cầu, để phục vụ việc bán hàng online. Từ yêu cầu của thị trường nên họ lựa chọn những doanh nghiệp có nền tảng quản trị và thông tin tốt, có giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định. Họ chọn những doanh nghiệp luôn quan tâm đến người lao động để hướng tới việc kinh doanh lâu dài, ổn định.

Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu, chủ yếu là doanh nghiệp gia công, lắp ráp, nên phụ thuộc rất nhiều vào trình độ tay nghề của người lao động. Nếu không được đào tạo tốt thì không thể có năng suất cao.

Lao động Việt Nam có tỷ lệ qua đào tạo thấp, ý thức và tác phong công nghiệp còn hạn chế nên năng suất lao động còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trình độ của lãnh đạo các cấp trong các doanh nghiệp về tin học, ngoại ngữcòn rất yếu. Kiến thức quản lý kinh tế và quản lý doanh nghiệp chủ yếu là ở mức sơ cấp và quản lý theo kinh nghiệm.

“Chính từ những nguyên nhân trên nên thời gian ngừng việc cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự xem lại mình, so sánh với các nước trong khu vực và các doanh nghiệp cùng ngành trong nước. Đối chiếu với nhu cầu của thị trường xem doanh nghiệp mình còn hổng, còn thiếu những vấn đề gì trong hệ thống nhân sự để có phương án đào tạo bổ sung”, ông Nguyễn Xuân Dương phát biểu.

 

Vậy câu hỏi đặt ra là đào tạo nguồn nhân lực nên làm thế nào? Theo ông Dương, trước hết cần phân loại lao động trước khi đào tạo: Dù là doanh nghiệp nhiều hay ít lao động thì cũng cần phân loại lao động để đào tạo. Mỗi loại công việc phân theo trình độ thực tế của người lao động: Kém, trung bình, khá, tốt; để làm căn cứ phân nhóm đào tạo cho từng loại thợ.

Sau đó, cần xây dựng được chương trình, nội dung đào tạo. Chương trình, nội dung đào tạo lao động, cần kết hợp được nhu cầu của doanh nghiệp và tiêu chuẩn nghề quốc gia. Để sau khi đào tạo, người lao động vừa đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu cấp bậc nghề quốc gia làm cơ sở hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo nghề cho người lao động cũng cần hết sức quan tâm đến việc cặp nhật kiến thức sử dụng, vận hành các thiết bị mới, thiết bị tự động; các phần mềm quản trị đã và sẽ đưa vào doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Để có thể khai thác tốt nhất những tính năng tiên tiến, hiện đại của thiết bị và công nghệ kỹ thuật số.

Chương trình đào tạo cán bộ quản lý và nghiệp vụ (nghiệp vụ chuyên môn, tiếng Anh và Tin học). Cần gửi cán bộ đi dự các lớp tập trung ngắn ngày hoặc dài hạn do các trường có kinh nghiệm và uy tín trong công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ tổ chức. Ở các lớp này ngoài kiến thức nhận được thì người cán bộ còn có cơ hội giao lưu, làm quen với các lãnh đạo của các ngành, các doanh nghiệp khác; tạo điều kiện xây dựng các mối quan hệ cho doanh nghiệp phát triển.

Vậy lấy kinh phí ở đâu để đào tạo? Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo người lao động mất việc. Nếu đề xuất này được thông qua thì doanh nghiệp có thể được Chính phủ hỗ trợ từ 1 đến 3 tháng dậy nghề với mức 3 triệu đồng/người/tháng. Nếu được như vậy thì đây là cơ hội để doanh nghiệp vừa vượt qua giai đoạn thiếu việc, vừa giữ ổn định đời sống cho người lao động, vừa nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đối với đào tạo cán bộ và nghiệp vụ, khoản này doanh nghiệp phải có kế hoạch tài chính hàng năm để thực hiện. Đừng nên lấy lý do doanh nghiệp còn khó khăn về tài chính mà không đào tạo.

 

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm