Chính sách

Thừa Thiên Huế: Ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên

DNVN – Theo Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định, cát tự nhiên là tài nguyên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt khi khai thác, sử dụng quá mức, do vậy việc xác định lộ trình thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nghiền nhân tạo nhằm bổ sung, thay thế dần cát xây dựng tự nhiên là hết sức cần thiết.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng các phương án phòng chống Covid-19 trong khu công nghiệp, khu kinh tế / Thừa Thiên Huế: Quảng cáo nhà ở riêng lẻ thành dự án bất động sản cao cấp, Khải Tín Group bị phạt 100 triệu đồng

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh này, tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất cát nhân tạo từ nguồn vật liệu có sẵn thay thế cát lòng sông và công bố hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng”.

Theo Ban tổ chức, thời gian gần đây tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp, có nhiều hộ gia đình sử dụng thuyền nhỏ khai thác bằng phương thức lặn xúc, gàu xúc tay và sử dụng thiết bị cơ giới nhỏ. Ngoài ra, còn có một số cá nhân, tổ chức còn khai thác cát, sỏi bằng máy hút, tàu cuốc khai thác trên phạm vi sông Hương, sông Bồ vào đêm khuya đến rạng sáng, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền và ngành chức năng.

Lực lượng công an bắt giữ một thuyền khai thác cát trái phép trên sông Hương (Ảnh: Internet).

Lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ một thuyền khai thác cát trái phép trên sông Hương (Ảnh: Internet).

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, các sở ban ngành tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông. Qua đó, đã phát hiện và xử lý hơn 400 trường hợp vi phạm trong hoạt động khoáng sản (cát, sỏi) trên tuyến sông Hương và sông Bồ đoạn chảy qua địa phận các xã, phường.

Việc khai thác cát quá mức quy định dẫn đến sự khang hiếm nguồn khoáng sản tự nhiên này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu triển khai áp dụng cát nhân tạo trong các công trình sử dụng vốn nhà nước. Đây không phải là vật liệu mới xuất hiện, mà đã được nghiên cứu và đưa vào xây dựng tại một số nước trên thế giới cách đây 40 năm.

Riêng tại Việt Nam, sự khan hiếm và đắt đỏ của cát thật khiến cát nhân tạo đang dần được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, cả nước có khoảng 50 nhà máy sản xuất cát nhân tạo, đáp ứng thị trường 20 triệu tấn/năm, nhưng người tiêu dùng Việt còn chưa thực sự hiểu rõ về ưu nhược điểm, nhà sản xuất và phân phối.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh, cát tự nhiên là tài nguyên không tái tạo kịp và dần cạn kiệt khi khai thác, sử dụng quá mức, do vậy việc xác định lộ trình thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất cát nghiền nhân tạo nhằm bổ sung, thay thế dần cát xây dựng tự nhiên là hết sức cần thiết.

 

Ông Định cũng cho biết, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch về việc triển khai sử dụng cát nghiền trong các công trình sử dụng vốn nhà nước do UBND tỉnh quản lý trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, giai đoạn năm 2020-2021, sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp, không sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu xử lý nền móng và sản xuất gạch không nung.

Đồng thời, tập trung khuyến khích các cơ sở khai thác và chế biến đá làm vật liệu xây dựng đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất cát nghiền đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với công suất được cấp phép khai thác; Đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền trong sản xuất bê tông thương phẩm, các cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện; Sản lượng đáp ứng và đưa vào sử dụng khoảng 20% nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh, tương đương khoảng 331.000m3 (thực hiện đưa vào sử dụng trong các công trình vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh quản lý).

Giai đoạn từ năm 2022-2023, tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền trong sản xuất bê tông thương phẩm, các cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện; Phấn đấu sản lượng đáp ứng và đưa vào sử dụng khoảng 50% nhu cầu trên địa bàn toàn tỉnh, tương đương khoảng 828.000m3 (thực hiện đưa vào sử dụng trong các công trình vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh quản lý).

“Việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên không chỉ nhằm bảo vệ môi trường, mà còn khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp cát tự nhiên khai thác từ lòng sông như hiện nay, hướng đến chấm dứt khai thác cát trên tất cả các sông trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, kỳ vọng.

 

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, việc ứng dụng KH&CN để sản xuất cát nghiền nhân tạo bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, công khai các thông tin về hợp chuẩn, hợp quy, nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên thị trường là cần thiết. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao hiệu quả cạnh tranh và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực của địa phương.

“Việc tổ chức hội thảo này nhằm tạo nền tảng về thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng cơ chế và chính sách điều tiết thị trường, tăng cường kiểm tra nhà nước về chất lượng vật liệu xây dựng, hạn chế hàng hóa kém chất lượng, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng. Hội thảo này cũng nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm”, TS. Hồ Thắng chia sẻ.

Cát nhân tạo được sản xuất bởi Công ty TNHH Long Tường, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cát nhân tạo được sản xuất bởi Công ty TNHH Long Tường, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thông tin, đánh giá nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thay thế cát lòng sông trên địa bàn và kế hoạch sử sụng cát nghiền trong các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh quản lý.

 

Bên cạnh đó, Hội thảo còn có nhiều báo cáo, tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn, nêu lên thực trạng khai thác, sản xuất nguồn vật liệu có sẵn thay thế cát lòng sông trên địa bàn (mỏ đá, vật liệu không nung…); giải pháp để phát triển nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng thay thế cát lòng sông; một số công nghệ và thiết bị trong sản xuất cát nhân tạo sử dụng làm vật liệu xây dựng thời gian gần đây mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đã giới thiệu về các văn bản quy phạm pháp luật về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức, thủ tục, trình tự công bố hợp chuẩn, hợp quy các sản phẩm vật liệu xây dựng hiện nay.

Ngoài ra, đại diện Công ty Cổ phần xi măng Đồng Lâm cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai áp dụng các Tiêu chuẩn quốc tế, Quy chuẩn Việt Nam vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm