Chính sách

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bàn cách để doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân

DNVN - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán - người mua.

Vì sao nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp? / Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững: Tân Long đồng hành cùng bà con nông dân

Tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại nông dân”, sáng 29/5, trả lời băn khoăn của người nông dân về vấn đề giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng cao trong thời gian qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực kiểm soát tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá sản phẩm.

Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân.

Tuy nhiên, vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.

Theo đó, Bộ Công thương sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán - người mua.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại nông dân”.

“Theo tính toán thì vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm, nên nếu tính toán tỉ mỉ thì hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ”, ông Diên nói.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiểm tra kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng. Điều chỉnh thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.

Cùng bàn về giải pháp tiết kiệm chi phí đầu vào, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng có nhiều cách làm.

Hiện nay nhiều nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp.

“Người nông dân có thể tham gia hoạt động vào các HTX để mua chung, mua sỉ các loại vật tư nông nghiệp để tiết kiệm chi phí cũng như tăng hiệu quả trong sản xuất.

Chúng ta cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Giảm chi phí là mệnh lệnh và có thể làm được nếu chúng ta quyết tâm. Quan trọng nhất là phải có giải pháp phù hợp”, ông Hoan nhấn mạnh.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm