Vì sao nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp?
Tiếp tục triển khai rộng rãi bảo hiểm nông nghiệp / Nông dân chê bảo hiểm nông nghiệp vì phí cao
Sản phẩm thiếu đa dạng
Chuyên gia Bùi Thị Thu cho biết: Năm 2020, dân số Việt Nam là 97,58 triệu người, trong đó 68,7% dân số sống ở khu vực nông thôn (chiếm hơn 2/3 tổng dân số).
Mặc dù có sự dịch chuyển dân cư và lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp khá rõ, nhưng trong tổng số 61,7 triệu lao động (năm 2020) vẫn còn gần 50% lao động làm việc trong khu vực nông, lâm, thủy sản.
Do sản xuất nông nghiệp có tính đặc thù và phụ thuộc vào nhiều yếu tố rủi ro (như thiên tai, dịch bệnh, vị trí địa lý, đất đai, nguồn nước, thị trường, giá cả, lạm phát) nên sản xuất nông nghiệp thường xuyên gặp khó khăn, nguy cơ mất mùa và nghèo đói của nông dân gia tăng.
Đây là lý do khẳng định BHNN là một biện pháp hiệu quả trong việc xử lý các rủi ro nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Người dân tham gia bảo hiểm chỉ cần đóng một khoản phí nhỏ thay vì tự tích lũy để có thể chủ động đối phó với các rủi ro nếu xảy ra. Và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm khai phá thị trường này.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2020, cả nước có khoảng 1% số cây trồng, 0,24% đàn trâu/bò, 0,1% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm. Những con số này cho thấy, thị trường BHNN chưa phát triển, vẫn bị bỏ ngỏ.
Qua quá trình khảo sát thực tế của chuyên gia Đại học Công nghiệp Hà Nội, 93,95% số người được khảo sát không biết về BHNN. Hầu hết người làm nông nghiệp chưa biết đến BHNN. Sau khi được giới thiệu về BHNN, chỉ có 10,4% người được khảo sát sẵn sàng tham gia BHNN.
Chia sẻ về nguyên nhân người dân không sẵn sàng mua BHNN, bà Thu cho rằng, phần lớn nông dân Việt Nam hiểu biết về bảo hiểm rất thấp, họ chưa có thói quen và nhận thức đầy đủ về BHNN.
Thực trạng này xuất phát từ việc thói quen sản xuất phụ thuộc cho tự nhiên đã thấm sâu vào suy nghĩ của người nông dân khiến họ không chủ động tham gia BHNN. Đồng thời, thu nhập của nông dân còn thấp nên khả năng tài chính để tham gia BHNN của người nông dân còn hạn chế. Chính vì vậy, nhân viên kinh doanh tiếp cận những đối tượng này rất khó khăn.
Thậm chí, có nhiều nông dân sau năm đầu mua bảo hiểm không gặp phải sự cố gì, sang năm tiếp theo vì tiếc tiền nên chấm dứt hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi, doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan nhà nước chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quảng cáo về lợi ích của việc tham gia BHNN.
Hiện nay, sản phẩm BHNN mà các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp còn ít ỏi, thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được thực tế ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa có sản phẩm chuẩn, cụ thể cho một đối tượng bảo hiểm, cho một hoặc một nhóm rủi ro nhất định và được triển khai trên quy mô rộng.
Giám sát rủi ro, phòng chống trục lợi bảo hiểm có ý nghĩa then chốt
Theo chuyên gia Đại học Công nghiệp Hà Nội, các doanh nghiệp bảo hiểm thường gặp nhiều khó khăn khi triển khai các hoạt động BHNN.
Những nhà kinh doanh nếu chỉ kinh doanh đơn thuần vì lợi nhuận thì không muốn hoạt động trong lĩnh vực BHNN, bởi lẽ, loại hình này thường xuyên gặp rủi ro và có nguy cơ thua lỗ cao. BHNN cũng dễ bị trục lợi, khi cây trồng, vật nuôi đã được bảo hiểm, sự khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh không còn là nỗi lo với nông dân, khiến họ lơ là trong việc bảo quản, chăm sóc tài sản của mình..
“Ranh giới giữa rủi ro được bảo hiểm và rủi ro không được bảo hiểm của BHNN rất khó kiểm soát, trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế”, bà Thu nói.
Để giải bài toán BHNN, chuyên gia Đại học Công nghiệp Hà Nội khuyến nghị cần nâng cao nhận thức cho nông dân (ngay cả cán bộ cấp cơ sở) về BHNN để người nông dân hiểu biết rõ về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm trong lĩnh vực này.
Do thu nhập của các hộ nông dân rất thấp nên cần nghiên cứu điều chỉnh tăng khung hỗ trợ phí bảo hiểm cho các hộ cận nghèo từ 80% lên 90%, các hộ không thuộc diện nghèo và cận nghèo từ 60% lên 80%. Điều này có thể thu hút nhiều hộ nông dân tham gia BHNN.
Đối với doanh nghiệp tham gia BHNN, cần nâng cao năng lực chuyên môn trong thẩm định, đánh giá tổn thất, để tránh sự lúng túng trong đánh giá tổn thất hoặc trục lợi từ những hoạt động bảo hiểm. Việc giám sát rủi ro và phòng chống trục lợi bảo hiểm có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển bền vững của BHNN.
BHNN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng hỗ trợ phải mang tính bền vững, có định hướng, tăng tính chủ động từ nông dân chứ không phải cách làm "giật gấu vá vai" theo kiểu thiệt hại đến đâu khắc phục hậu quả tới đó như hiện nay.
“Nhà nước có thể vừa hỗ trợ chính sách mở cho doanh nghiệp, vừa đầu tư khoa học kỹ thuật cho nông dân; đặt doanh nghiệp bảo hiểm ở vị trí trung gian, đứng ra bán dịch vụ cho nông dân. Khi gặp thiên tai, dịch bệnh... dẫn tới thiệt hại thì bảo hiểm chịu một phần theo khả năng trách nhiệm đã đăng ký, còn lại sẽ do Nhà nước đảm nhận.
Khuyến khích các mô hình bảo hiểm tương hỗ, ưu tiên doanh nghiệp bảo hiểm đặt mũi nhọn vào lĩnh vực nông nghiệp, đặt ra một số loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với nông dân. Đồng thời, đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng để xử lý doanh nghiệp hoặc nông dân khi vi phạm hợp đồng”, bà Thu khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo