Chính sách

Cần tháo gỡ rào cản để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNVN - Ứng dụng công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn và là bước đi đúng đắn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao để phát triển nền nông nghiệp nước nhà còn gặp không ít khó khăn, trở ngại, khiến doanh nghiệp e dè.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực tế hơn, thủ tục cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng đích hơn / Hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh

Thông tin này đã được các diễn giả, chuyên gia và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nêu ra tại Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái: Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 17/12/2020 tại Hà Nội.

Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là nền nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ứng dụng CNC được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp nước nhà. Câu chuyện về cuộc cách mạng 4.0 được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam. Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thực tế, thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp CNC. Chính phủ cũng dành nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ năng suất chất lượng nông sản; thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng CNC được áp dụng và đạt được những hiệu quả lớn, nước ta rất có tiềm năng trong phát triển hệ sinh thái nông nghiệp CNC.

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC nhiều bất cập

Tại diễn đàn, các đại biểu có chung nhận định rằng, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn còn gặp phải không ít khó khăn; các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp CNC hay muốn ứng dụng CNC trong nông nghiệp vẫn gặp phải không ít thách thức, rào cản.


Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tại diễn đàn. (Ảnh: TC DĐDN)

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam đã liệt kê 6 rào cản mà doanh nghiệp gặp khó khăn. Một là, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp CNC ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập với các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp cùng với việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp CNC dựa trên các tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng... khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Hai là, rào cản về vốn bởi việc phát triển nông nghiệp CNC cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị.

Ba là, rào cản về nhân lực khi nguồn nhân lực nông nghiệp là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp CNC, song hiện đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Bốn là, rào cản về đất đai. Năm là rào cản về thị trường tiêu thụ. Sáu là rào cản về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Trong khi đó, khi chỉ ra những khó khăn trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Xuân Định cho biết, vấn đề áp dụng CNC trong phát triển nông nghiệp chưa thực sự được đẩy mạnh triệt để, ngoài vấn đề về vốn, đất đai, thông tin thị trường… thì điều quan trọng nhất là chính sách.

Theo ông Định, cần phải giải được câu hỏi ai là người cần thúc đẩy ứng dụng CNC. Người nông dân có đến 9 triệu hộ, về cơ bản dù các doanh nghiệp có lớn đến mấy thì lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường đến nay vẫn là đến từ nông dân.

Vấn đề cần giải quyết đó là thay đổi tư duy, không phải sản xuất quy mô lớn hay nhỏ, mà phải phù hợp với điều kiện của địa phương và người sản xuất, người đầu tư. Từ đó mới có thể nghiên cứu được chính sách.

Trên góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê, người đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp CNC được 5 năm nay đã chia sẻ những khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê. (Ảnh: TCDĐDN)

Theo nữ CEO này, đầu tư cho nông nghiệp cần một lượng vốn khổng lồ. 5 năm đi tìm hiểu, 3 năm bắt tay vào thực hiện, bà chưa thu được một đồng lợi nhuận nào và mỗi tháng bà phải chịu nỗ từ 1,5 đến 3 tỷ đồng.

Những khó khăn mà bà Hiền gặp phải là khó tiếp cận nguồn vốn, cùng với đó là hệ thống thủy lợi cũng đã trở nên quá cũ, những bất cập của hệ thống giao thông nhưng doanh nghiệp không hề nhận được sự hỗ trợ của nhà nước.

Tuy vậy, bà vẫn có niềm tin to lớn vào thành công ở phía trước khi lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp CNC bởi bà quan niệm phải đầu tư bài bản, làm lớn để tận dụng cơ hội thị trường. Khao khát của bà Hiền là làm nông sản sạch để phục vụ chính cuộc sống của chúng ta, nông dân có thể giàu có từ ruộng đất của mình.

Cần "nối vòng tay lớn" hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần nhất là khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cho các thiết chế những cái mới.

Cho rằng những quy định quá cứng của các tổ chức tín dụng làm khó doanh nghiệp khiến DN khó tiếp cận nguồn vốn, ông Thắng kiến nghị Ngân hàng Agribankcần có cơ chế linh hoạt cho các ngân hàng thương mại đánh giá tính hiệu quả của dự án, đặc biệt các tài sản trên đất như nhà lưới nhà màng.

Ngoài ra, ông kiến nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC. Trong khi đó, các bộ ngành liên quan nên giao đầu mối mà trước hết là các hiệp hội ngành hàng kết nối truyền tải những chính sách, đồng thời kết nối các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, với nhu cầu ngày càng cao của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả.

Theo đánh giá của bà Hà Thu Giang, đây là cơ sở để ngành ngân hàng đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đưa ra thông điệp "hãy nối vòng tay lớn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa công nghệ cao vào nền nông nghiệp truyền thống". Các chuối kết nối, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chỉ có thể hình thành được, động lực về công nghệ chỉ có thể vào được nông nghiệp với vai trò trung tâm của các doanh nghiệp.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm