Cần xác định rõ vai trò hydrogen trong kịch bản phát triển năng lượng
Chuyên gia Trần Đình Thiên: Vì sao vừa qua doanh nghiệp đóng cửa nhiều đến vậy? / Bình Dương: Nhận diện thách thức trong thu hút đầu tư FDI
Phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen
Hydrogen là nguyên tố phong phú nhất trên trái đất, có thể được tạo nên từ khí đốt, than đá, chất phân hủy sinh học vàdầu. Hydrogen còn được tạo nên từ các loại năng lượng có thể tái tạo như gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt hoặc năng lượng thủy điện…
Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương soạn thảo xác định mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo.
Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.
Cụ thể, sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, gần với khách hàng tiêu thụ lớn để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen.
Phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh và quá trình khác có thu giữ carbon đạt 100 - 500 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050.
Dự thảo đề xuất định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, sử dụng và cơ sở hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen.
Trong đó đáng chú ý, phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.
Định hướng đến năm 2050 đẩy mạnh triển khai áp dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất, sử dụng năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam. Phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 10 - 20 triệu tấn/năm vào năm 2050.
Giải pháp quan trọng trong chuyển dịch năng lượng
Tại cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/12 tại Hà Nội, PGS, TS Phạm Hoàng Lương - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, phải coi chiến lược hydrogen như là một trong những giải pháp thực hiện vấn đề chuyển dịch năng lượng. Tuy vậy, điều quan trọng là vấn đề thứ tự ưu tiên như thế nào.
“Trong chiến lược này phải nêu rất rõ vai trò hydrogen không đứng riêng mà nằm trong toàn bộ hệ thống. Định hướng phát triển, hiện nay chúng ta đâu đó vẫn báo cáo nhưng chỉ bao tiêu sử dụng trong nước.
Tiềm năng phát triển hydro xanh là rất rõ ràng, có lẽ phải nghĩ đến những câu chuyện ngoài vấn đề sử dụng bao tiêu trong nước, khi mà nền kinh tế chưa đủ sức chi trả trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn thì yếu tố xuất khẩu cần phải tính đến.
Tuy nhiên, cần cân nhắc hiện nay thị trường xuất nhập khẩu của hydro xanh ở các khu vực như thế nào. Nếu ở châu Âu hay các nước khác thì xa, nhưng ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những chiến lược sử dụng hydro và sử dụng hydro trong các vấn đề chuyển đổi năng lượng, nên cân nhắc để Việt Nam thành trung tâm".
Theo chuyên gia, để bảo đảm tính bền vững cho chiến lược này chắc chắn vấn đề điện tái tạo được đặt lên rất cao, vì hydro xanh chủ yếu sử dụng điện phân.
Trong quá trình đổi mới công nghệ để tạo đà cho thị trường hydro thì phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí do Bộ KH&CN đề ra. Từ các tiêu chí đó, các nhà đầu tư có thể thực hiện.
Ngoài ra, vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng cần được tính đến.
Theo ông Hà Đăng Sơn – Chuyên gia năng lượng, cần xác định rõ hydrogen trong kịch bản về phát triển năng lượng cho Việt Nam, cụ thể là trong những ngành nào?
Quyết định 876 của Thủ tướng nêu rõ, chuyển ngành giao thông vận tải sang điện và năng lượng xanh. Theo đó, hydrogen cũng có thể được lựa chọn.
“Nhiều nhà đầu tư nói rõ, họ muốn nhìn thấy kết quả, nhìn thấy cam kết cụ thể của Chính phủ. Nếu Việt Nam không có thị trường nội địa, chỉ xuất khẩu, cả xuất khẩu năng lượng và hydrogen thì không ổn”, chuyên gia Hà Đăng Sơn nêu.
Cũng theo chuyên gia, trong phát triển hydrogen, Bộ TN&MT và Bộ Giao thông vận tải có liên quan và đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.
Cùng quan điểm, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong các dự thảo về Chiến lược sản xuất hydrogen cần bổ sung phân công trách nhiệm cho Bộ TN&MT.
Theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CPcủa Chính phủ, thẩm quyền giao khu vực biển của Bộ TN&MT. Theo đó, Bộ này quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Vấn đề cần thiết hiện nay là cần phải triển khai nhanh, góp phần thực hiện mục tiêu của dự thảo chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
End of content
Không có tin nào tiếp theo