Chính sách

Cần minh bạch thủ tục, chính sách giá hấp dẫn để giảm rủi ro trong đầu tư năng lượng tái tạo

DNVN - Chia sẻ tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2023 lần thứ VI, chiều ngày 14/12, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đề xuất, cần có chiến lược rõ ràng, minh bạch thủ tục và giá bán điện hấp dẫn để giảm rủi ro, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho điện năng lượng tái tạo.

Phát triển năng lượng gắn với thu hút đầu tư nước ngoài: Tài sản lớn nhất là làm chính sách / Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030: Chưa đề cập đến năng lượng nguyên tử

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thực hiện cam kết này, định hướng phát triển điện năng lượng tái tạo của Việt Nam theo hướng: đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo; đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời.

Cùng với đó, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp.

Chia sẻ tại diễn đàn Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2023 lần thứ VI, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng khẳng định, Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo bằng việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Có cơ hội tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng khẳng định, Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo. Ảnh: Ngân Hà.

Về hiện trạng phát triển năng lượng điện gió, mặt trời tại Việt Nam, theo ông Hưng, tính đến cuối năm 2022, có 145 dự án điện mặt trời trang trại với tổng công suất 8908 MW và sản lượng điện 15293 GWh. Những địa phương có quy mô công suất lớn: Ninh Thuận, Bình Thuận Đắk Lắk.

Việt Nam có hơn 100 nghìn điểm điện mặt trời mái nhà với công suất 9608 MWp sản lượng phát lên lưới đạt gần 13 tỷ kWh. Các địa phương có quy mô công suất lớn về điện mặt trời mái nhà là Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phuoc, Long An...

Theo ông Hưng, công suất đặt và sản lượng nguồn điện mặt trời, điện gió tăng nhanh với sự xuất hiện cơ chế khuyến khích sử dụng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ). Tỷ trọng sản lượng điện gió, điện mặt trời từ mức không đáng kể năm 2018 tăng lên 13,8% năm 2022. Sản lượng điện gió cao nhất vào các tháng 1, 2, 12. Sản lượng điện mặt trời cao nhất vào các tháng 3, 4, 5, 6.

Quy mô đầu tư cho nguồn điện gió, điện mặt trời ước tính gần 20 tỷ USD. Dư nợ tín dụng xanh cho năng lượng tái tạo tính đến cuối năm 2022 là 233 nghìn tỷ, chiếm 2,4% tổng GDP năm 2022.

Để đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo vào nguồn năng lượng quốc gia, ông Hưng khuyến nghị cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu.

Định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp. Tạo cơ hội lớn thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Tham gia vào đầu tư, vận hành, bảo dưỡng dự án điện năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi việc làm xanh năng lượng tái tạo.

“Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra việc làm xanh thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và chính sách mua sắm. Đồng thời, có chiến lược rõ ràng, hoàn thiện, minh bạch thủ tục, giá bán điện hấp dẫn để giảm rủi ro và tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho điện năng lượng tái tạo”, ông Hưng đề xuất.

Quy mô đầu tư cho nguồn điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam ước tính gần 20 tỷ USD.

Đánh giá về tiềm năng nội địa hóa trong phát triển điện gió, điện mặt trời, bà Vũ Chi Mai - Giám đốc dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất thanh trục giữ máy móc tuabin (nacelle), thiết bị phục vụ cho mục đích kết nối các thiết bị, các máy tính khác nhau (hub) và cánh quạt. Chưa sản xuất được cáp ngầm biển cho điện gió ngoài khơi.

Các nhà cung cấp cáp hiện tại có thể mở rộng nhà máy để cung cấp cáp ngầm cho điện gió ngoài khơi, tuy nhiên sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp khác ở châu Á. Bởi vậy, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa nội địa hóa trong phát triển điện gió, điện mặt trời ở các công đoạn: phát triển dự án, lắp đặt/xây dựng và đấu nối, sản xuất.

“Việt Nam cần tiếp tục đánh giá năng lực của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị điện gió và điện mặt trời, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng để tối đa nội địa hóa”, bà Mai khuyến nghị.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm