Chính sách

Chậm thực hiện gói hỗ trợ đầu tư công: Cần tăng cường thanh, kiểm tra

DNVN - Với tốc độ giải ngân đầu tư công chậm chạp, trong khi thời gian thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá 350 nghìn tỷ đồng không còn nhiều, cần thiết phải thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy gói hỗ trợ này, trong đó có việc tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra và kiểm toán...

Người dân lo "mất nhà" nếu chung cư chỉ có thời hạn 50 - 70 năm: Bộ Xây dựng nói gì? / Bình ổn giá xăng dầu: Bộ Công Thương đã có đề xuất phải giảm thuế

Những nguyên nhân
Một trong những động lực để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay chính là gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) trị giá 350 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều gói hỗ trợ trong Chương trình được triển khai rất chậm, đặc biệt là hỗ trợ 2% lãi suất và giải ngân đầu tư công.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt trên 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mới đây, tại họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022, đại diện Tổng Cục Thống kê cho biết: Trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khó khăn tập trung ở phần triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho đầu tư công. Nguyên nhân chủ yếu là gói hỗ trợ đầu tư công liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án. Tiến độ cũng như công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình chậm do các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau. Các đơn vị còn chờ đợi lẫn nhau, xem xét, lựa chọn các dự án đủ điều kiện và khả thi để đưa vào danh mục dự án thuộc chương trình.

5 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt trên 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, đối với đầu tư công, trong quy trình thủ tục, phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể.
Ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 450/TTg-KHTH về thông báo danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Theo đó, số vốn đầu tư công dự kiến phân bổ cho 36 dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, với mức vốn bố trí là 3.150 tỷ đồng. Phân bổ 100.751 tỷ đồng cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
Số vốn kế hoạch chính thức sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo yêu cầu tại văn bản này.
Theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải hoàn thành thủ tục đầu tư dự án và báo cáo Bộ kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/6/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Với kế hoạch cụ thể này, khả năng trong nửa đầu tháng 7/2022, các dự án được phê duyệt thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH sẽ đi vào triển khai thực hiện, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 và các năm sau.
Cần tăng cường thanh, kiểm tra
Trong bối cảnh thời gian thực hiện không còn nhiều do chương trình này sẽ kết thúc vào năm 2023, đại diện Tổng Cục Thống kê cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định và thời hạn tại văn bản số 450/TTg-KHTH để bảo đảm tiến độ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Khi có quyết định chính thức giao danh mục và mức vốn cho các dự án thuộc Chương trình, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện ngay dự án, tập trung thực hiện và đẩy nhanh tiến độ bảo đảm đúng kế hoạch đặt ra.
Bộ, ngành và địa phương cần lập kế hoạch cụ thể về thực hiện và giải ngân các dự án của Chương trình, làm căn cứ để thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Cần phân công lãnh đạo bộ và lãnh đạo địa phương phụ trách trực tiếp từng dự án thuộc Chương trình. Kết quả thực hiện và giải ngân của từng dự án là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Người đứng đầu bộ, ngành và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng.
Trong quá trình triển khai, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ , thường xuyên với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm