Chính sách

Chính sách tiền tệ không giải quyết được lạm phát một cách hoàn hảo

DNVN - TS Võ Trí Thành khẳng định: Quan sát nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo.

HSBC: Giảm mức dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam về mức 3,5% / Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ” mới giữa các quốc gia

Vấn đề nóng nhất hiện nay là lạm phát

Sáng 15/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán". Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao kỷ lục trên thế giới và trở thành một vấn đề nóng ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) Lê Long Giang cho rằng: Kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do khủng hoảng tại Ukraine, bất định gia tăng với các lệnh trừng phạt, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, khiến giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng, buộc các nước phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Điều này khiến đà phục hồi kinh tế thế giới năm 2022 ngày càng gập ghềnh hơn và có thể đối mặt với nguy cơ đình lạm cục bộ.

Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán". (Ảnh: Ngân Hà).

“Vấn đề nóng nhất hiện nay là lạm phát. Lạm phát đang tăng cao kỷ lục khắp các nền kinh tế thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề”, ông Giang nhấn mạnh.

Theo đó, lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5 năm 2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981; lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1% gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Tại châu Á, bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát của Thái Lan tăng 5,2%; Hàn Quốc tăng 4,3%; Indonesia tăng 2,8%; Malaysia tăng 2,4%; Nhật Bản và Trung Quốc cùng tăng 1,5%.

Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả (xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại…) đều tăng, đây là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.

Hiện tại, tăng lãi suất ngân hàng, thị trường chứng khoán sẽ nguy hiểm

Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định: “Quan sát nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm tại hội thảo.

Muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách, can thiệp trực tiếp vào lãi suất cơ bản. Nhưng nếu chỉ nói do chính sách tiền tệ ít quan hệ lạm phát thì không phải”.

Về vấn đề tăng hay hạ lãi suất của ngân hàng nhà nước, theo ông Thành, cần hết sức lưu ý tới việc nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây.

Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam nổi lên như một ngôi sao bởi duy trì được mức độ tăng trưởng dương. Nhưng trong 6 tháng cuối năm 2021 thì ngược lại, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt thì Việt Nam lại “lạc nhịp”.

Hoặc đơn cử 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng thế giới xấu nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt. Chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới được.

Một điểm cần lưu ý tiếp theo là trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi Việt Nam buộc phải thận trọng.

“Mức giá của đồng Việt Nam hiện nay không quá lớn nên cần giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết, ông Thành nói.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Hiện nay, lạm phát của Việt Nam là lạm phát do chi phí đẩy, nên vai trò của Ngân hàng trong câu chuyện này là nhỏ.

“Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán nguy hiểm”, ông Nghĩa cảnh báo.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm