Lạm phát và “cuộc chiến tiền tệ” mới giữa các quốc gia
Thủ tướng Sri Lanka thừa nhận nền kinh tế đã sụp đổ hoàn toàn / Kỳ tích của người đàn ông bại liệt 70 năm sống trong ‘phổi sắt’
"Chiến tranh tiền tệ đảo ngược" dần hình thành
Thực tế thì không phải tới lúc này, các ngân hàng trung ương mới manh nha đề cập tới một "cuộc chiến tiền tệ". Ngay từ tháng 2 năm nay, Ủy viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), bà Isabel Schnabel đã đưa ra một biểu đồ cho thấy mức độ giảm giá của đồng Euro so với USD. Hai tháng sau, Thống đốc NHTW Canada Tiff Macklem cũng đã "phàn nàn" về việc đồng đô la Canada (CAD) xuống giá quá mạnh. Chủ tịch NHTW Thụy Sĩ Thomas Jordan cũng đã đề cập khả năng can thiệp nhằm nâng giá đồng franc (CHF) của nước này.
Các tổ chức tài chính như Goldman Sachs và giới đầu tư thị trường ngoại hối trong vài tháng qua đã bắt đầu cảnh báo khả năng "chiến tranh tiền tệ" kiểu truyền thống - khi mà các quốc gia tìm cách phá giá đồng nội tệ của mình nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ đồng USD suy yếu, hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng, nay sẽ chuyển sang trạng thái "đảo ngược".
Việc nâng giá đồng nội tệ giúp giảm chi phí nhập khẩu trong bối cảnh lạm phát cao (Nguồn: CNBC)
"Chiến tranh tiền tệ đảo ngược", tức là các nước lại thi nhau tìm cách nâng giá động nội tệ, cải thiện sức mua của mình trong bối cảnh lạm phát gia tăng chóng mặt, bởi một đồng tiền mạnh sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu hàng hóa. Trong khi cuộc đua phá giá đã diễn ra suốt một thập niên qua, thì theo nhà kinh tế Michael Cahill từ Goldman Sachs, phần lớn nhà đầu tư không nhớ nổi từ bao giờ mà các nước phát triển lại đồng loạt nâng giá nội tệ.
Bất chấp sự hiếm gặp này thì "chiến tranh tiền tệ đảo ngược" đang ngày càng là một thực tế. Với các động thái thắt chặt tiền tệ mạnh tay từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đồng bạc xanh đã lên giá khoảng 7% trong năm nay so với rổ nhiều đồng tiền chủ chốt.
Đồng USD đã tăng giá mạnh so với 4 đồng tiền chủ chốt khác trong năm nay (Nguồn: Reuters)
Tiếp đó, lần lượt từng NHTW lớn khác cũng đã bắt đầu phát tín hiệu rằng, họ sẵn sàng cho việc để đồng tiền mạnh hơn, khi mà lạm phát trong nước đã chạm mốc kỷ lục. Hôm 16/6, NHTW Thụy Sĩ gây bất ngờ với việc tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, kéo đồng CHF lên mức cao nhất trong 7 năm. Cùng lúc đó, NHTW Anh (BOE) cũng thông báo đợt tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp và đề cập việc sẽ tiếp tục các đợt tăng nữa trong thời gian tới.
Hiện chỉ còn NHTW Nhật Bản (BOJ) là vẫn đang trung thành với một chính sách "bồ câu" về tiền tệ, bởi các đợt giảm giá đồng Yên trong năm nay đã góp phần gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận cho các tập đoàn lớn của nước này như Toyota hay Nintendo. Thống đốc BOJ Kuroda Haruhiko phát tín hiệu sẽ tiếp tục chính sách hiện nay, tuy nhiên ông cũng đã thừa nhận đà giảm quá mạnh của đồng Yên – lên tới 18% kể từ đầu năm sẽ không tốt cho nền kinh tế trong dài hạn. Thị trường ngoại hối đã bắt đầu "đặt cược" xem thời điểm nào BOJ sẽ bắt đầu đảo ngược chính sách của mình.
BOJ là NHTW lớn duy nhất chưa có động thái thắt chặt tiền tệ (Nguồn: Reuters)
Dù có một tác động rõ ràng, FED và nhiều NHTW lớn khác không muốn đề cập quá nhiều về ảnh hưởng của các chính sách lên đồng nội tệ. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết việc cơ quan này cam kết mạnh mẽ nhằm kiểm soát giá cả đã làm tăng lòng tin với đồng USD như một loại tài sản tích trữ an toàn, và mục tiêu của FED vẫn là kiểm soát giá cả thông qua kiềm chế nhu cầu nội địa, chứ không phải bằng việc tác động vào tiền tệ.
Những tác động của "chiến tranh tiền tệ đảo ngược"
Liệu nâng giá nội tệ có thể kiềm chế được lạm phát? Nhiều chuyên gia tin rằng đây vẫn là câu hỏi khó trả lời. Sức mua của đồng nội tệ có ảnh hưởng lên giá cả hàng hóa, nhưng mức độ tác động ra sao thì vẫn còn nhiều tranh cãi và phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế.
Trong các đợt USD tăng giá trước đây, ảnh hưởng với lạm phát được xem là khá nhỏ, nhưng một số chuyên gia tin rằng điều này sẽ thay đổi trong điều kiện lạm phát cao. Ông Nathan Sheets, kinh tế gia trưởng toàn cầu của Citigroup đánh giá vào năm 2020 khi lạm phát xuống thấp, việc đồng bạc xanh lên giá 10% chỉ có thể giảm mức tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,5 điểm phần trăm. Nhưng vào năm nay, khi lạm phát ở mức cao nhất 4 thập kỷ, con số này có thể đạt tới 1 điểm phần trăm.
Đồng USD lên giá 10% có thể góp phần giảm 1 điểm phần trăm lạm phát tại Mỹ trong năm nay (Nguồn CNBC)
Người tiêu dùng của những nước tăng giá nội tệ thành công thường sẽ hưởng lợi, bởi giá hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm phần nào, tuy nhiên các tập đoàn đa quốc gia, như Saleforces hay Costco của Mỹ lại phải hứng chịu khó khăn lớn, bởi đồng bạc xanh mạnh làm giảm giá trị doanh thu quốc tế của những tên tuổi này, và khiến sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn bởi giá bằng ngoại tệ tăng lên.
Chuyên gia Alan Ruskin từ Deutche Bank bình luận: "Mọi quốc gia đều mong muốn lợi ích giống nhau, nhưng không phải ai cũng sẽ thành công trong một cuộc chiến tiền tệ". Điều này đã từng được minh chứng trong thập niên 80: Đồng USD cũng tăng cao trong nhiệm kỳ đầu của cố Tổng thống Ronald Reagan, lên mức cao kỷ lục so với Bảng Anh, tuy nhiên kinh tế Mỹ sau đó mau chóng rơi vào khó khăn, các nhà xuất khẩu mất hàng tỷ USD đơn hàng quốc tế từ các đối thủ như tại Nhật Bản.
Phải đến năm 1985, điều này mới được giải quyết khi giới chức FED và đại diện 4 nước khác nhóm họp và đi đến Hiệp định Plaza, giúp kéo đồng bạc xanh giảm giá khoảng 40% trong vòng 2 năm tiếp theo.
Các tập đoàn đa quốc gia như Costco chịu nhiều thiệt hại khi đồng nội tệ lên giá (Nguồn: CNBC)
Và trong cuộc chiến tiền tệ đảo ngược hiện nay, FED và đồng USD cũng có thể là những đối tượng gặp nhiều thách thức nhất. Đà tăng của USD trong năm 2022 đã góp phần đáng kể cho công cuộc chống lạm phát đầy gian nan của FED, như một số chính trị gia ca ngợi. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey từng bình luận trên Bloomberg hồi tháng 5: "FED cần nỗ lực tối đa với chính sách hiện nay, nhưng đồng USD mạnh cũng đã giúp ích rất nhiều với họ".
Dù vậy, lợi thế này có thể sẽ không kéo dài sau những động thái tương tự từ các NHTW lớn khác. Hồi đầu tháng 6, USD đã có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tháng, và các động thái vừa qua của NHTW Anh và Thụy Sĩ cũng có sức ép đáng kể với đồng bạc xanh. Nhiều tên tuổi khác như ECB cũng đang chuẩn bị tăng lãi suất trong thời gian tới.
Nhìn chung, rủi ro thất bại là không hề nhỏ khi các NHTW cố gắng can thiệp vào đồng tiền của mình. Ông Mark Sobel, cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho rằng: "Việc nhằm vào tỷ giá là một hoạt động rất khó đoán định. Việc cố gắng dự đoán xem thị trường hối đoái phản ứng ra sao với những chính sách định sẵn thường là một sai lầm lớn".
End of content
Không có tin nào tiếp theo