Chính sách

Chính sách tiền tệ nới lỏng: Cần cẩn trọng và linh hoạt

DNVN - Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, năm 2024, chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng cần tiếp tục điều hành theo hướng nới lỏng nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này cần thận trọng và linh hoạt nhằm ứng phó với những biến động khó lường từ kinh tế thế giới.

Fed không tăng lãi suất và dự báo duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024 / Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu có thể đã kết thúc

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trước bối cảnh tác động của thắt chặt chính sách tiền tệ với lãi suất cao khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, ngày 14/3/2023, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã đảo chiều từ thắt chặt sang nới lỏng. Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/ năm.

Tỷ giá hối đoái ổn định cũng đã tạo điều kiện quan trọng để việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức cao, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022 và lạm phát cơ bản tăng 5,01%, nên Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương án nói lỏng chính sách tiền tệ nhiều lần.

Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất, với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Chính sách nới lỏng tiền tệ năm 2023 cho thấy những chuyển động rõ nét, tác động tích cực tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chính sách tiền tệ nói cần tiếp tục được nới lỏng để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Theo ông Ánh, bước sang năm 2024, GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tuy cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023 song áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% cả năm 2024 vẫn nặng nề, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi.

Trong khi đó, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ từ năm trước suy giảm rõ rệt khi đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,17%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).

Bên cạnh đó, áp lực tăng tỷ giá hối đoái cùng với giá vàng khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô lại được đưa vào vị trí ưu tiên trong năm 2024.

“Năm 2024, chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng cần tiếp tục điều hành theo hướng nới lỏng nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, chính sách này cần sự thận trọng và linh hoạt nhằm ứng phó với những biến động khó lường từ kinh tế thế giới cũng như từ biến động tỷ giá hối đoái, luân chuyển dòng tiền và giá cả”, ông Ánh khuyến nghị.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm