Cơ cấu nguồn vốn, lãi vay chưa tương xứng với dư địa và không gian chính sách tiền tệ
Những điểm mới của cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 / Gỡ vướng pháp lý cho các dự án sử dụng vốn vay WB
Hội nghị chính sách tiền tệ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ngày 14/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương NHNN và toàn ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các cấp, các ngành liên quan về sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, việc cơ cấu lại nguồn vốn lãi vay, chính sách lãi vay chưa phù hợp, chưa tương xứng với dư địa và không gian chính sách tiền tệ.
Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm không cao dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn (hiện trên 13,6 triệu tỷ đồng so với 13,8 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023).
Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao.
Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro, một số vụ việc như vụ SCB cho thấy việc giám sát phải chặt chẽ, hiệu quả hơn. Kết quả thực hiện một số chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp dệt không khó trong tiếp cận tín dụng khi có đơn hàng vì bản chất doanh nghiệp dệt may có đơn hàng thì có lời. Tuy vậy, trong suốt 18 tháng qua ngành khó khăn là ngành sản xuất nguyên liệu.
Cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn.
Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%, còn năm nay yêu cầu phải 100% hoặc là áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9.
“Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.
Ngoài ra, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ USD, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện.
Do đó, ông Trường kiến nghị cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để duy trì được sản xuất quay trở lại tỷ lệ huy động của họ.
Trong khi đó, ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group bày tỏ mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.
Cụ thể, hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%). Do đó, doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Cũng đề cập vấn đề lãi suất, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt (PVN) cho biết, hiện PVN đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay bằng các khoản vay mới có chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp cho chi phí sản xuất kinh doanh của công ty liên doanh này tối ưu hơn, từng bước vượt qua khó khăn.
Theo kế hoạch năm 2021-2025, Petro Việt Nam có kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ từ tín dụng để cho đầu tư phát triển.
“Với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN như vậy, doanh nghiệp rất mong Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung”, ông Hùng kiến nghị.
Về chính sách cho vay, nếu Chính phủ và NHNN có chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại, đặc biệt xem xét áp dụng cho từng trường hợp, nhất là với các tập đoàn lớn, các dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay đối với từng đơn vị, hoặc cho toàn tổ hợp. Theo đó, có thể hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng này và các doanh nghiệp lớn, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước.
Chính sách đó sẽ giúp cho các chủ đầu tư như Petro Việt Nam và các ngân hàng trong nước kiểm soát được chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án đầu tư khi có các biến động.
“PVN cho rằng với chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh doanh và đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Petro Việt Nam”, ông Hùng nói.
Trước đó, trong công điện ban hành ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng vay vốn.
Đồng thời đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo