Chính sách

Cho rằng dự thảo định mức chi phí tái chế có nhiều bất cập, 14 hiệp hội kiến nghị điều chỉnh

DNVN - 14 hiệp hội cho rằng Dự thảo về định mức chi phí tái chế (Fs) được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7 có nhiều Fs cao một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế.

Thiếu cơ chế quản lý, thuốc lá điện tử "chợ đen" làm loạn thị trường / Việc di dời nhà máy, trường học khỏi đô thị đang bị "tắc” từ nhiều phía

Ngày 18/8 vừa qua, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cùng 13 hiệp hội trong nước như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội sữa Việt Nam, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam… đã gửi văn bản góp ý, bày tỏ luôn ủng hộ Chính phủ trong các nỗ lực bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tái chế sản phẩm, bao bì để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Dự thảo vẫn tồn những vướng mắc lớn cần được tháo gỡ, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ trong Công điện 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023. Dự thảo về định mức chi phí tái chế (Fs) được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng ngày 27/7 có nhiều Fs cao một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR).

Các hiệp hội cho rằng một số định mức chi phí tái chế Fs vẫn cao hơn mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu.

Dù ban soạn thảo đã có điều chỉnh nhưng một số định mức chi phí tái chế Fs vẫn cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ như Fs của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần… Nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng này là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi được.

Với các vật liệu giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton… nhà tái chế chính thức đang có lãi lớn, việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nộp phí tái chế cao cho các vật liệu này để hỗ trợ tăng lãi cho nhà tái chế là rất bất hợp lý.

Về mặt phí tái chế, chỉ riêng 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, con số ước tính là 6.127 tỷ đồng/năm, cùng với đó là nhiều ngàn tỷ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác, đây là một khoản chi phí rất lớn, tạo gánh nặng cho sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trước thực tế như vậy, các Hiệp hội đề xuất, điều chỉnh định mức chi phí tái chế Fs hợp lý hơn (chi tiết nêu ở mục I, Phụ lục I), căn cứ vào nghiên cứu của Liên minh Tái chế Việt Nam PRO, thực tiễn tái chế của Việt Nam và mức phí tái chế trung bình thị trường.

Liên quan đến định mức chi phí tái chế Fs, các Hiệp hội còn kiến nghị áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại, bao bì giấy, để hỗ trợ việc thu gom sản phẩm, bao bì ở các vùng sâu, vùng xa....; Áp dụng hệ số 0,15 – 0,19 cho phương tiện giao thông; Cho các Hiệp hội sản xuất - kinh doanh được tham gia vào xây dựng Fs, thay vì chỉ có các doanh nghiệp tái chế được tham gia như hiện nay.

Ngoài ra, thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào 4/2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn, giống với cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau; cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.

Kiến nghị áp dụng hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam và hệ số điều chỉnh Fs bằng 0,5 đối với các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Hoàng Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm