Chính sách

Nhiều đối tượng lao động xuất khẩu không tiếp cận được ưu đãi tín dụng

DNVN - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng còn bất cập. Nhiều đối tượng lao động không có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi.

Cảnh giác lừa đảo tuyển dụng lao động xuất khẩu trên mạng / 5 điều lao động xuất khẩu cần tránh để không bị phạt

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là 1.426.479 người.

Số lao động đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng tăng liên tục qua các năm và số lượng đi làm việc ở nước ngoài cao nhất là năm 2019 đạt 152.530 người (bằng 121% năm 2016).

Trong đó, ghi nhận sự tăng nhanh tại thị trường có thu nhập cao, ổn định như thị trường Nhật Bản và Đài Loan, giảm mạnh ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi.

Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đóng cửa, tạm dừng tiếp nhận lao động nước ngoài.

Đến năm 2022, hoạt động này dần trở lại bình thường, với số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 lao động (bằng 93,6% của năm 2019, khi chưa bùng phát dịch COVID-19).

Nhiều đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không tiếp cận được tín dụng ưu đãi.

Trong số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ chiếm khoảng 10%.

“Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là 9.465 tỷ đồng, cho vay 165.000 dự án. Qua đó, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 178.000 người lao động”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn bất cập.

Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn quy định chỉ có 5 nhóm đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi cho lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Đó là các đối tượng: người lao động thuộc hộ nghèo; thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; người dân tộc thiểu số được vay vốn để đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng từ NHCSXH; người lao động thuộc hộ cận nghèo; thân nhân người có công với cách mạng.

Trong khi, 5 đối tượng này đã được một số địa phương ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH.

“Hiện còn nhiều đối tượng lao động khác không có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, chưa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Mặc dù đã được nhiều lần điều chỉnh và ngày càng nâng cao nhưng mức cho vay của một số chương trình tín dụng chính sách xã hội cho người đi làm việc ở nước ngoài chưa hoàn toàn phù hợp, dẫn tới người đi vay không đủ nguồn lực thực hiện mục đích đi vay.

Một số địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách nói chung và cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nói riêng, nhất là ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Ngoài ra, lãnh đạo địa phương chưa chỉ đạo kịp thời các sở ngành, các cơ quan thực hiện chương trình phối hợp cùng với NHCSXH trong xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng để hạn chế tình trạng nợ quá hạn, hạn chế vốn tồn đọng.

Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Để phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị, cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Chỉ thị số 20CT/TW (ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới).

Trong đó có việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; tạo cơ chế, chính sách, điều kiện tuyển chọn người lao động đi làm việc tại nước ngoài bảo đảm phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

“Cần công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí cho các đối tượng đi làm việc ở nước ngoài.

Có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động. Ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm