Chính sách

Chủ động xây dựng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp

DNVN - Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các bộ, ngành thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô chiều 30/7, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Thu ngân sách Nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động xây dựng, đề xuất ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân.

Vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% / Ổn định kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tổ chức sếp hạng tín nhiệm global ratings (S&P) đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”.

Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam liên tục được nâng mức dự báo, trong khi thế giới và nhiều quốc gia khác liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng. Gần đây nhất, IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5).

Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021) Tuy nhiên bên cạnh những đánh giá tích cực về nhiều kết quả đạt được của nước ta, một số tổ chức quốc tế đã chỉ ra một số điểm hạn chế của nội tại nền kinh tế nước ta liên quan đến nợ xấu ngành ngân hàng, tình trạng chậm giải ngân đầu tư công kéo dài, độ mở của nền kinh tế đang ở mức cao nên dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài.

Cùng với đó dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chất lượng chưa cao, còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch, công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp.

Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh trong thu hút vốn FDI, do quy mô thị trường nội địa chưa lớn, trong khi nhiều quốc gia ngay sát Việt Nam có lợi thế lớn do đã phát triển đồng bộ về hạ tầng, chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô chiều 30/7.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trong 6 tháng cuối năm, nền kinh tế nước ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Áp lực tăng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc tại các dự án FDI, gây thiếu nhân công thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Chậm chễ trong giải ngân vốn đầu tư công, một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, có thể ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy nếu có biến động xảy ra như tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.

Dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay, kéo theo nhiều khó khăn, thách thức về phát triển sản xuất trong nước, ổn định vĩ mô.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ “dịch chồng dịch”, số ca mắc COVID-19 gia tăng, xuất hiện biến chủng mới cùng với sự bùng phát của dịch cúm A, đậu mùa khỉ... có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung - cầu lao động, hàng hóa thiết yếu.

“Nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu dài hạn. Việt Nam đang ở nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, thách thức lớn đặt ra là phải duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm vượt qua nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Bàn về phương hướng, quan điểm và nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong ngắn hạn tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023)... nhưng cũng phải vừa thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phát triển trong trung và dài hạn.

Chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành kinh tế vĩ mô, việc sử dụng đồng bộ, linh hoạt, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế.

Diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Đòi hỏi các bộ, cơ quan quản lý ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động không chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác.

“Thu ngân sách Nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động xây dựng, đề xuất ngay các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa cần nâng cao tính chủ động, có tính đến độ trễ trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có lộ trình, phương án đề xuất, báo cáo, điều chỉnh phù hợp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm