Chính sách

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng: Tư tưởng chỉ chọn giá thấp nhất trong đấu thầu là sai lầm

DNVN - Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng tư tưởng chỉ chọn giá thấp nhất, không chú ý đến tiêu chuẩn kỹ thuật là nhìn nhận sai lầm.

Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gặp nhiều rào cản / Cần luật hóa về tạo quỹ đất cho du lịch

Nhiều điểm mới

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu ngày 1/11, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu 2023 là đạo luật quan trọng, đã có nhiều thay đổi lớn so với luật trước.

Luật này có nhiều quy định cải cách, đơn giản hoá quy định thủ tục đấu thầu, tăng tính chủ động của bên mời thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng.

Để triển khai thực hiện Luật Đấu thầu, hiện Bộ KH&ĐT đang soạn Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, đồng thời lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới đấu thầu trong các lĩnh vực xây dựng, giáo dục, y tế, môi trường, cung cấp máy móc, thiết bị, vật tư…

Giới thiệu về Dự thảo, đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho hay, Dự thảo có nhiều điểm mới liên quan đến quy định bảo đảm cạnh tranh, ưu đãi thúc đẩy sản xuất trong nước, quy định chỉ định thầu, đấu giá ngược, mua sắm trực tuyến, quản lý cơ sở dữ liệu về nhà thầu…

Đặc biệt, Nghị định đưa ra nhiều điểm mới về công khai thông tin đấu thầu. Đây được coi là điểm sáng của Luật Đấu thầu cũng như của Dự thảo nghị định để bảo đảm tính công bằng, minh bạch.

Tỷ trọng kỹ thuật chưa hợp lý

Với trên 40 năm kinh nghiệm làm về thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định, Dự thảo nghị định về lựa chọn nhà thầu này là một vấn đề hết sức quan trọng đối với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề xây dựng.

Điều 66 quy định: Căn cứ quy mô, tính chất gói thầu, hồ sơ mời thầu, phương pháp, đánh giá về tài chính bằng một trong các phương pháp sau: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp dựa trên kỹ thuật.

Tuy vậy, theo ông Hiệp, Dự thảo không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào quy định điều kiện nào áp dụng phương pháp nào. Như vậy rất khó cho người thi hành, chủ đầu tư các gói thầu trong việc áp dụng theo phương pháp nào.


TheoChủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tiêu chí tính điểm kỹ thuật cho các gói thầu xây dựng ở mức 10 - 20% là không hợp lý.

Còn Điều 36, khoản 2 quy định: đối với gói thầu xây lắp, tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 10 - 20%, tỷ trọng điểm về giá từ 80 - 90%.

“Tiêu chí tính điểm kỹ thuật chỉ 10 - 20% là không hợp lý. Ví dụ, những công trình như Landmark 81, chỉ tính riêng việc cẩu vật liệu lên toà nhà cao hơn 80 tầng là cả vấn đề lớn, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Nhà thầu phải thuê đơn vị Hàn Quốc chuyên làm nhiệm vụ cẩu nguyên vật liệu.

Ban soạn thảo cần bổ sung cụm từ “trừ các công trình đặc thù, kỹ thuật khó” vào Dự thảo. Cần nâng điểm kỹ thuật cao lên cho những công trình này để bảo đảm an toàn”, ông Hiệp kiến nghị.

Cũng theo ông Hiệp, Dự thảo có câu “chọn phương pháp giá thấp nhất”. Hiện vẫn có tư tưởng chỉ chọn giá thấp nhất, không chú ý đến tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là nhìn nhận sai lầm, nhất là với các công trình xây dựng đòi hỏi kỹ thuật, đặc biệt kỹ thuật cao. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về tỷ trọng kỹ thuật và yếu tố giá thấp nhất cho hợp lý.

Cùng góp ý về tỷ trọng điểm kỹ thuật, Bác sỹ Nguyễn Thị Lương Phong - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Sanofi Avetis Việt Nam cho biết, khoản 1, Điều 36, khoản 2, phần c quy định: “Đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 30% đến 40%, tỷ trọng điểm về giá từ 60% đến 70%”.

Theo bà Phong, tỷ trọng điểm kỹ thuật đã được tăng từ 20%-30% lên 30%-40% so với các bản dự thảo trước. Tuy vậy, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người nên yêu cầu chất lượng kỹ thuật cần phải có tỷ trọng cao hơn.

Do đó, vị bác sỹ này kiến nghị Ban soạn thảo sửa khoản 1, Điều 36, khoản 2, phần c thành:“Đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 40% đến 60%, tỷ trọng điểm về giá từ 40% đến 60%”.

Cũng đề cập đến yếu tố kỹ thuật và giá, nhưng ở góc nhìn khác, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, trong Luật Đấu thầu vẫn có quy định nhà thầu phải vượt qua vòng kỹ thuật rồi mới xét đến yếu tố giá.

“Tôi thấy rằng, quy định này dễ để lọt nhà thầu tiềm năng. Rất nhiều gói thầu chỉ có một nhà thầu vượt qua vòng kỹ thuật để vào vòng tài chính. Có thể nói 80 - 90% các gói thầu không có tính cạnh khi chỉ có 1 nhà thầu vượt qua vòng kỹ thuật. Điều này sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Dù nội dung này không thuộc Dự thảo Nghị định thi hành Luật Đấu thầu, nhưng ông Hải ngỏ ý mong muốn Ban soạn thảo đưa ra cách nào đó để tình trạng này không còn xảy ra.

Cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện Ban soạn thảo, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng - Phó Cục trưởng cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) bày tỏ mong muốn nhận được góp ý bằng văn bản của các cá nhân và tổ chức, trong đó đưa ra đề xuất tỷ lệ cụ thể về yếu tố kỹ thuật trong gói thầu xây dựng để Cục Quản lý đấu thầu xem xét.

Về ý kiến “giá thấp nhất”, theo bà Hằng, trong Luật Đấu thầu ghi rất rõ, có giá đánh giá kết hợp kỹ thuật và giá, có giá cố định… Trong thông tư cũng hướng dẫn rất kỹ các công thức để xác định, không có quy định nào là phải giá thấp nhất. Giá thấp nhất không phải là điều được khuyến khích áp dụng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng góp ý về nhiều vấn đề khác như quy định ưu đãi nhà thầu, phạm vi điều chỉnh, đấu thầu qua mạng, đánh giá - xếp hạng uy tín nhà thầu…

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, các quy định trong Dự thảo cần được xây dựng hợp pháp, hợp lý. Qua đó, doanh nghiệp mới có thể tuân thủ, thực thi tốt. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Luật Đấu thầu 2023 triển khai trên thực tế hiệu quả.

“Chúng tôi kỳ vọng, với việc tiếp thu các ý kiến đóng góp cho Dự thảo, Luật Đấu thầu sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trên thực tiễn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời tạo ra một nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thành cạnh tranh, minh bạch, lành mạnh cho cả doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan", ông Tuấn nói.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm