Chính sách

Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp gặp nhiều rào cản

DNVN - Theo TS Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành II, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế còn nhiều “nút thắt”.

Lợi thế thu hút đầu tư từ khu công nghiệp sinh thái / Vì sao các khu công nghiệp ở Đà Nẵng khó thu hút “đại bàng”?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành tựu đạt được sau hơn 30 năm phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là những đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước đã hình thành hệ thống 407 KCN (tính cả 4 khu chế xuất) được thành lập, trong đó có 292 KCN đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản.

Cùng với đó là 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố, 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố. Các KCN, KKT đã thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,3 tỷ USD.

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề 3 “Phát triển KKT, KCN, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, sáng 18/10, ông Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng KTNN cho biết, KKT, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.

“Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, công tác đầu tư phát triển các KKT, KCN, cụm công nghiệp ở nước ta vẫn đang ở giai đoạn đầu, còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức cũng như chưa đạt được nhiều thành quả tương xứng", ông Dũng nói.

Ông Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng KTNN cho biết công tác đầu tư phát triển các KKT, KCN chưa đạt được thành quả tương xứng. Ảnh: Hà Anh.

Theo TS Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II (KTNN), hoạt động phát triển các KKT, KCN còn nhiều “nút thắt”. Các đánh giá, phát hiện trong quá trình kiểm toán cho thấy, việc quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Quy hoạch còn thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn về phát triển trong nền kinh tế; trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác, với vùng và với xã hội.

KKT, KCN được quy hoạch khá dàn trải theo địa giới hành chính. Chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực (đất đai, tài nguyên, nhân lực...), dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KKT, KCN với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị và hạ tầng giao thông chưa cao.

Cùng với đó, việc phát triển các KKT, KCN hiện nay chưa đáp ứng được tính liên kết vùng. Sự phát triển chỉ xuất hiện một số mô hình hợp tác sản xuất đơn lẻ như sản xuất linh kiện và lắp rắp ô tô trong KKT mở Chu Lai (Quảng Nam); sản xuất điện thoại di động trong một số KCN tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên. Điều này tác động chưa nhiều đến sản xuất công nghiệp địa phương, rất khó để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

“Thực tế cho thấy nhiều KKT, KCN chú trọng đến vấn đề giải quyết việc làm hơn là tìm kiếm các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá. Các KKT, KCN thu hút ngành nghề có số lượng lao động lớn, nhưng vấn đề về an sinh lao động lại chưa được chú trọng tương xứng.

Việc xây dựng KKT, KCN sẽ kéo theo sự hình thành và phát triển cộng đồng dân cư, đặc biệt là lao động nhập cư. Trong khi đó, quy hoạch phát triển KKT, KCN trong nhiều trường hợp có sự tập trung cục bộ tại một số khu vực, như lưu vực sông Đồng Nai, Nhuệ, Đáy, trục đường giao thông huyết mạch”, ông Thăng cho biết.

Ngoài ra, vấn đề môi trường, sự khác biệt trong chính sách ưu đãi giữa các địa phương và bất cập trong tuân thủ trong thực thi chính sách cũng tạo “nút thắt” đối với sự phát triển của KKT, KCN.

Để tháo gỡ các “nút thắt” trên, ông Thăng đề xuất cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KKT, KCN. Quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng. Hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững.

Đồng thời, cần ưu đãi đầu tư phù hợp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó, có các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KKT, KCN mới; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi có thể tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn, chi phí thấp hơn. Đa dạng hóa, linh hoạt và sáng tạo trong ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các KKT, KCN.

Nhấn mạnh thêm giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển KKT, KCN, ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước, các cấp trong phát triển KCN, KKT.

“Cần xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng. Đổi mới mô hình KCN, KKT hiện tại và phát triển một số mô hình KCN, KKT mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai”, ông Quân kiến nghị.

Cụ thể, cần hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm