Đẩy mạnh cảnh báo sớm, giám sát hành vi gian lận xuất xứ để bảo vệ doanh nghiệp chân chính
DNVN - Chính sách thuận lợi về đầu tư nước ngoài bên cạnh những tác động tích cực đã làm xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến, khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.
Doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cần nhiều “trợ lực” để chuyển số / Cần khuyến khích thu hút các dự án FDI tạo tác động tích cực cho doanh nghiệp trong nước
Theo Bộ Công Thương, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Trên thực tế, số lượng vụ việc PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.
Khi các doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp này thường tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, với chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó để dịch chuyển sản xuất.
Tuy nhiên, điều này khiến xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến, khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và bị áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.
Đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như ảnh hưởng đến ngành hàng liên quan và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính, làm giảm uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu dài, nó tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM.
Với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (Đề án 824) và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cáp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Để triển khai Đề án 824, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Trên cơ sở danh sách cảnh báo do Bộ Công Thương cung cấp, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.
Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp.
Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM.
Thông qua công tác cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài. Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hợp tác về chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ với các cơ quan liên quan của nước ngoài, đề xuất một số ý tưởng như Cơ chế đăng ký xuất khẩu tự nguyện nhằm tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin của Việt Nam với các nước trong việc xử lý vấn đề này, nâng cao uy tín và thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh danh sách cảnh báo sớm, nhằm giúp doanh nghiệp và hiệp hội hiểu rõ hơn về quy định điều tra chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp PVTM, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để phổ biến các quy định về xuất xứ, quy định về PVTM đến các doanh nghiệp trong ngành nhằm ngăn chặn từ đầu những hành vi khai báo thông tin không chính xác và việc tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo