Chính sách

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng cường tính minh bạch

DNVN - Hiện nay, tại Việt Nam chưa có đủ công ty để đánh giá tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp. Bởi vậy, muốn minh bạch thị trường tài chính, điều kiện sống còn là phải đánh giá tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng: Xử lý quyết liệt vi phạm chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp / Rủi ro huy động qua trái phiếu doanh nghiệp sai mục đích

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam bên lề Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”, sáng 25/5, ông Nguyễn Minh Cường- Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng: Nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn tương đối vững chắc, đóng góp vào sự phát triển tương đối bền vững của thị trường tài chính Việt Nam 2020-2021.

Những rủi ro bắt đầu xuất hiện trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường trái phiếu thời gian qua nhưng xét về tổng thể, thị trường tài chính Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển khá vững thông qua tiếp tục hoàn thiện về thể chế, hành lang pháp lý cũng như năng lực của thị trường.

Ông Nguyễn Minh Cường- Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB chia sẻ với phóng viên
Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Hà Anh)

“Phát triển thị trường vốn là xu thế không thể ngược đối với Việt Nam bởi vì đây là kênh chính cung cấp vốn trung hạn và dài hạn. Những rủi ro vừa qua trên thị trường tài chính không phản ánh mang tính tổng thể. Chúng ta phải nhìn theo hướng tích cực hơn, không vì rủi ro này mà làm hạn chế sự phát triển của thị trường vốn”, ông Cường nói.

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng ADB, cơ cấu thị trường tài chính đang phản ánh cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam. Sự mất cân đối hiện nay của thị trường tài chính như tỷ trọng ngân hàng lớn so với các thị trường khác cũng phản ánh cơ cấu của nền kinh tế, phản ánh cơ cấu chính sách tiền tệ, tài khóa. Trong giai đoạn đầu chống dịch COVID-19, Việt Nam hơi thiên về chính sách tiền tệ.

Trả lời câu hỏi nợ tư nhân tại Việt Nam có đáng lo ngại không, ông Cường cho biết: Quan hệ nợ công và nợ tư nhân tại Việt Nam dù chưa có con số cụ thể, nhưng xét về mặt lý thuyết, giữa chi tiêu của Chính phủ với nợ công có mối quan hệ chặt chẽ.

Nợ công tăng thì trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế sẽ gánh bớt nợ tư nhân. Một cơ cấu lành mạnh, một quan hệ lành mạnh giữa nợ công và nợ tư nhân rất quan trọng.

Nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng rất an toàn (khoảng 44% GDP). Nợ tư nhân một phần phản ánh nợ xấu của ngân hàng và tại Việt Nam, nợ tư nhân cũng đang có những rủi ro nhất định.

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp là điều kiện sống còn.

Để hạn chế rủi ro từ nợ tư nhân, chính sách tài khóa của Việt Nam cần tăng trần nợ công lên một chút để giảm tải sức ép lên hệ thống ngân hàng.

Khuyến nghị giải pháp nhằm tăng cường sự minh bạch của thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất, mang tính sống còn là sự đánh giá, xếp hạng tín nhiệm của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

“Việt Nam chưa có đủ công ty để đánh giá tín nhiệm. Khi chúng ta có thông tin về đánh giá tín nhiệm, thị trường tài chính sẽ tăng cường tính minh bạch”, ông Cường nhấn mạnh.

Ngay trước đó, tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”, một số chuyên gia đầu ngành cũng cho rằng, Việt Nam đang khuyến khích các công ty xếp hạng tín nhiệm đánh giá sự minh bạch của trái phiếu doanh nghiệp. Và đây là yêu cầu rất quan trọng, bởi nguy cơ rủi ro tài chính có thể xảy ra với một vài ngân hàng thương mại Việt Nam là có thật.

Có như vậy mới có giải pháp dài hạn cho thị trường tài chính - phải có sự kiểm soát rủi ro trước khi xảy ra rủi ro. Làm sao phải tránh “phanh gấp” khi bị động kiểm soát rủi ro khiến thị trường “chao đảo”.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm