Chính sách

Điều chỉnh lãi suất không phải công cụ chính để vực dậy kinh tế

DNVN - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh lãi suất không phải là công cụ chính để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn. Nền kinh tế có thể được vực dậy hay không là ở các lực lượng kinh tế, trong đó có khả năng chống đỡ khủng hoảng, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ / Các ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi suất huy động

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho thấy, tiền gửi của các khách hàng doanh nghiệp và người dân đều giảm từ đầu năm tới nay.

Có ý kiến cho rằng, tiền đang chảy vào vàng. Theo ông Hiếu, đã xảy ra hiện tượng người dân rút tiền tiết kiệm mua vàng, nhưng số lượng không nhiều và không đủ để tạo "sóng" trên thị trường vàng.

“Thời gian qua, "sóng" trên thị trường vàng đến từ các nhà đầu cơ lớn, "vào - ra" với mục tiêu kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Thị trường chứng khoán vẫn bất ổn, còn bất động sản chưa khởi sắc, nên dù tiền gửi tiết kiệm bắt đầu giảm tại ngân hàng nhưng tôi chưa nhìn thấy việc khách hàng rút tiền nhiều khỏi ngân hàng để đổ vào chứng khoán hay bất động sản.

Trong thời gian tới, khoảng nửa sau của năm 2024, khi thị trường bất động sản hồi phục và thị trường chứng khoán ổn định hơn, thì có thể dòng tiền sẽ đổ vào hai lĩnh vực này nhiều hơn”, ông Hiếu nhận định.

Ông Hiếu lo ngại tình trạng dòng tiền luân chuyển trên thị trường tài chính "chảy" vào các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đang vẫn rất khiêm tốn. Đây là rủi ro của nền kinh tế khi tiền không đưa vào sản xuất kinh doanh để tạo ra tiền thực trong nền kinh tế thực.

Trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng cũng đang thấp nhưng nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn, bởi đầu ra sản phẩm cho thị trường trong nước èo uột, thị trường quốc tế hạn chế.

Lãi suất cho vay của ngân hàng đang thấp nhưng nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn.

Động lực để thúc đẩy tổng cầu của Việt Nam được kỳ vọng là đầu tư công. Chính phủ đã gửi thông điệp giải ngân đầu tư công mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2024. Bộ Tài chính cũng đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều có sự khởi sắc nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Ngay cả khi được triển khai mạnh mẽ, đầu tư công cũng không đủ sức đưa kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn bứt phá. Bởi vì còn hai yêu tố quan trọng khác để vực dậy nền kinh tế là xuất khẩu và cầu nội địa cần được tăng lên.

Chính phủ đã và đang tìm mọi cách đề hỗ trợ đoanh nghiệp, đẩy dòng tiền vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại cho rằng, rủi ro của nền kinh tế hiện tại cao nên dòng tiền "ngại" đổ vào sản xuất kinh doanh.

Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên Chính phủ chỉ có thể khuyến khích các dòng tiền chứ không thể dùng các biện pháp hành chính đề đẩy tiền vào khu vực sản xuất kinh doanh. Điều quan trọng lúc này là, Chính phủ nên đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Khi các doanh nghiệp suy yếu và cần sự hỗ trợ của các ngân hàng cũng là lúc nhiều ngân hàng "buông tay" vì sợ rủi ro tín dụng. Để ngân hàng cho vay mà không sợ rủi ro, Quỹ bảo lãnh tín dụng (hoạt động theo mô hình bảo lãnh số tiền các ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay, nếu đoanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì quỹ bồi thường cho ngân hàng) là giải pháp phù hợp nhất.

“Việc điều chỉnh lãi suất không phải là công cụ chính yếu để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn. Nền kinh tế có thể được vực dậy hay không là ở các lực lượng kinh tế, trong đó có khả năng chống đỡ khủng hoàng, tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp. Trong một nền kinh tế thị trường, đây là lực lượng cốt cán để phát triển, bên cạnh sự hậu thuẫn của Chính phủ”, ông Hiếu nói.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm