Chính sách

Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI

DNVN - Khuyến nghị tại hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam”, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, để tham gia vào chuỗi liên kết FDI, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và cách thức kinh doanh.

Quy mô chuỗi cung ứng lạnh cho thị trường bán lẻ Việt Nam lên tới 10 tỷ USD/năm / Tem chip điện tử TrueData giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, đặc biệt dưới tác động của hàng loạt sự kiện như đại dịch COVID-19, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, các chính sách bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng từ những nền kinh tế lớn, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại cách thức vận hành và liên kết kinh tế giữa các khu vực và quốc gia.

Các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Ấn Độ đang tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng rút ngắn chuỗi (reshoring), đa dạng chuỗi (diversification), khu vực hóa chuỗi (regionalization) và nhân rộng chuỗi (replication). Điều này không chỉ phản ánh sự chuyển đổi trong chiến lược kinh doanh quốc tế mà còn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong việc duy trì vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hội thảo khoa học quốc gia “Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam”.

Việt Nam nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, được đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ mở ra cơ hội cho Việt Nam khẳng định vai trò và vị thế mới trong nền kinh tế thế giới mà còn mang lại những thách thức như cải thiện năng lực nội địa hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, môi trường, và chuyển đổi số trong sản xuất.

Các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh và tính minh bạch trong chuỗi cung ứng ngày càng khắt khe hơn từ các đối tác như Mỹ và EU, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực công nghệ và quản lý.

Đồng thời, việc cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong các ngành công nghệ cao và sản xuất linh kiện quan trọng cũng là một bài toán khó cần lời giải.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu tới kinh tế Việt Nam" chiều ngày 25/12, PGS, TS Tạ Văn Lợi – Trường Kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, sự cạnh tranh của các nước lớn đã tạo nên các chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Theo đó, chuỗi cung ứng mới do Mỹ và EU làm chủ dịch chuyển sang các quốc gia có mức tăng trưởng cao và ít bị lệ thuộc vào Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng mới do Trung Quốc vươn lên làm chủ theo chính sách “một vành đai, một con đường”, tập trung vào năng lực tự chủ và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ tiềm năng, thậm chí không có Ấn Độ.

TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí thấp (thứ 90/100). Trong đó công nghệ nền tảng (Technology Platform) thứ 92/100, năng lực đổi mới sáng tạo (thứ 77/100), FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100.

TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ tại hội thảo.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, phần lớn các ngành của Việt Nam đang nằm ở phần hạ nguồn. Đó là nhập khẩu đầu vào trung gian phần lớn để phục vụ quá trình chế xuất của nhóm ngành chế biến chế tạo; xuất khẩu đầu vào thuộc nhóm ngành cơ bản cho quá trình chế xuất tại nước ngoài.

Sự bất đối xứng trong xuất khẩu giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo phản ánh hoạt động sử dụng nhiều lao động với giá trị gia tăng thấp. Điều này cho thấy các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đủ khả năng cung cấp cho các nhà sản xuất FDI.

Phần lớn nguồn cung cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mạnh mẽ nhưng nổi bật nhất ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ.

Để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI, ông Việt khuyến nghị cần xây dựng chính sách đồng bộ và tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI. Trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh với chiến lược và cách thức kinh doanh, từ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản lý. Đồng thời, xây dựng quy hoạch tổng thể ngành, vùng, địa phương, trên cơ sở đó, rà soát lại việc sử dụng nguồn vốn FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý.

“Cần có cơ chế chính sách ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Việt nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm