Chính sách

Doanh nghiệp đang gặp khó, việc tăng căn cứ tính đóng Bảo hiểm Xã hội chưa phù hợp

DNVN - Việc tăng căn cứ tính đóng Bảo hiểm Xã hội (BHXH) được thực hiện trong giai đoạn hiện nay chưa phù hợp bởi hầu hết DN đều đang rất chật vật để phục hồi hậu COVID-19, đang phải đối mặt với những khó khăn quá lớn do suy thoái kinh tế cùng những biến động thị trường khác.

Trao quyền cho các tổ chức tín dụng tự cơ cấu thời gian vay và trả nợ của khách hàng / Khó khăn thu hút nhà đầu tư công nghệ cao: Cần "cú hích" cải thiện triệt để môi trường đầu tư

Doanh nghiệp muốn giữ nguyên quy định hiện hành
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa tổng hợp ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội về căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Kết quả khảo sát nhanh của Ban IV cho thấy, phần lớn đại diện DN, hiệp hội đều đánh giá cao ý nghĩa, tính ưu việt và nhân văn trong nhiều quy định cụ thể của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi.
Tuy nhiên, liên quan tới căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc (được quy định tại Khoản 1 Điều 37 dự thảo luật), các DN, hiệp hội cho rằng, đây là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh cho xã hội, người lao động, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế Việt Nam (bao gồm cả DN FDI và DN trong nước).
Do đó, DN và hiệp hội kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá điều kiện thực tiễn, có cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý.
Cụ thể, Dự thảo Luật đang cân nhắc 2 phương án xác định tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH:
Phương án 1 (giữ nguyên như quy định hiện hành): Tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Doanh nghiệp và hiệp hội muốn giữ nguyên quy định hiện hành về cách tính đóng BHXH.
Phương án 2: Tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Trong trường hợp dự luật giữ nguyên quy định theo như phương án 1, DN và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”. Nhưng cơ quan quản lý Nhà nước phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán “chậm đóng, trốn đóng, nợ BHXH...” của một số nhóm DN và người lao động như nhận diện thời gian qua.
Với phương án 1, chuyên gia quốc tế về lao động cho rằng, trường hợp này ban soạn thảo nên cân nhắc để đề xuất gia tăng các hình thức thanh kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu, liên kết dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu thuế, BHXH, kết hợp chế tài nghiêm minh. Theo đó, hạn chế nêu trên sẽ dần được khắc phục mà vẫn tạo được thuận lợi cho DN và người lao động.
Phương án 2 làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp
Nếu dự luật áp dụng theo phương án 2, căn cứ tính đóng BHXH sẽ tăng lên. Ý kiến DN, hiệp hội cho rằng sẽ có 2 vấn đề sau có thể xảy ra trong thực tế. Thứ nhất, việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng BHXH có thể khiến tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trở nên trầm trọng hơn.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị DN chậm đóng BHXH từ 1 - 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Việc điều chỉnh căn cứ tính đóng BHXH như phương án 2 sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và người lao động mà chưa thực sự giải quyết triệt để các nguyên nhân trực diện của tình trạng “chậm đóng, trốn đóng...” như chính cơ quan quản lý Nhà nước đã đánh giá bên trên.
Trong bối cảnh DN và người lao động đều đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn đến tình trạng DN và người lao động càng tìm cách trốn đóng BHXH, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực đến độ bao phủ của BHXH nói riêng và chính sách BHXH nói chung.
Thứ hai, việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng BHXH khiến gia tăng chi phí lao động của DN, trong bối cảnh chi phí này đã được cho là “cao nhất khối ASEAN”, sẽ ảnh hưởng trực tiếp năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia và có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh hiện nay.
Bên cạnh bài toán có tính chiến lược nêu trên, việc tăng căn cứ tính đóng BHXH được thực hiện trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp bởi hầu hết DN đều đang rất chật vật để phục hồi hậu COVID-19, đang phải đối mặt với những khó khăn quá lớn do suy thoái kinh tế cùng những biến động thị trường khác.

Cầnđánh giá kỹ lưỡng
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, phân tích và nhận định nêu trên, các hiệp hội, DN đề xuất Ban soạn thảo làm việc kĩ với các DN, hiệp hội, chuyên gia để đánh giá tính hợp lý, khả thi của các phương án đưa ra và tập trung nhiều vào phân tích phương án đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng BHXH (phương án 1 của dự thảo luật). Kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách BHXH cũng như chính sách phát triển kinh tế và DN.
Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ ràng các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng BHXH để tránh tình trạng sau này dự luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động có những cách hiểu khác nhau khiến việc chấp hành pháp luật về BHXH bị ảnh hưởng tiêu cực.
Liên quan đến chủ đề nâng cao năng suất lao động để giải quyết một cách chiến lược việc bù đắp chi phí lao động của DN, nâng cao sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế, các DN và hiệp hội kiến nghị Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực thực hiện nghiên cứu nền về nhu cầu và thực trạng nguồn nhân lực quốc gia cũng như kinh nghiệm nâng cao năng suất lao động của các quốc gia khác.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm