Chính sách

Cần cơ chế đặc thù phát triển bảo hiểm nông nghiệp

DNVN - Để bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội khu vực tam nông, ông Phạm Trần Oánh, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Agribank cho rằng, cần cơ chế đặc thù phát triển.

Tín dụng tam nông: Tiền đi trước, chính sách chưa... theo sau / Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào “tam nông”

Nông nghiệp là lĩnh vực có độ rủi ro cao. Là một nước nông nghiệp, Việt Nam phải chịu những đợt thiên tai, dịch bệnh gây tổn thất lớn.

Hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân lượng tài sản ước tính 1,5% - 2% GDP. Các thiệt hại đó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng tới đời sống người nông dân, tới chính sách an sinh xã hội của Chính phủ ở khu vực tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân).

Từ năm 2011, việc triển khai thí điểm BHNN đã được thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, đến nay, BHNN vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, việc triển khai thực hiện BHNN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong nội dung xây dựng Chiến lược phát triển nông thôn bền vững đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác - liên kết - thị trường giữa các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp trong khu vực tam nông.

Theo đó chiến lược cho rằng, BHNN đóng góp phần quan trọng vào chuỗi liên kết Nhà nước, nhà ngân hàng, nhà doanh nghiệp và nhà nông, hình thành nên các gói sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao và tăng thu nhập cho người nông dân.

Cần cơ chế đặc thù phát triển bảo hiểm nông nghiệp.

Qua thực tiễn triển khai các dịch vụ bảo hiểm vào khu vực tam nông, Bảo hiểm Agribank mới chỉ thành công về nhóm các sản phẩm bảo hiểm tính mạng và sức khỏe cho người vay.

Còn nhóm các sản phẩm bảo hiểm cho tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản đảm bảo tiền vay, tài sản thế chấp tiền vay chưa đạt được kỳ vọng, trong khi tiềm năng khai thác rất lớn.

Theo ông Phạm Trần Oánh, Bảo hiểm Agribank đang gặp không ít khó khăn khi khai thác nhóm các sản phẩm bảo hiểm cho tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản đảm bảo tiền vay, tài sản thế chấp tiền vay.

Mặc dù việc cung cấp gói sản phẩm nhiều tính năng cho một đối tượng khách hàng là xu thế của kinh tế hàng hóa nhưng việc bán gói sản phẩm tín dụng nông nghiệp cùng BHNN dễ bị hiểu là hành vi ép buộc khách hàng.

Số lượng đơn BHNN đã cấp tại thị trường Việt Nam chưa đáp ứng được nguyên tắc số đông, xác suất rủi ro chưa được thống kê đầy đủ.

Cùng với đó, phương thức chăn nuôi của các hộ chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chưa tuân thủ quy trình chuẩn nên mức độ rủi ro cao. Do vậy, thị trường tái bảo hiểm hiện đang tính phí BHNN tại Việt Nam làm tăng chi phí cho khoản vay và làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm.

Để BHNN thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội khu vực tam nông, ông Oánh cho rằng cần cơ chế đặc thù phát triển BHNN.

Năm 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát hành Báo cáo “Thực trạng tài chính nông nghiệp Việt Nam” đã có nhiều lưu ý về sử dụng công cụ quản lý rủi ro trong khu vực tam nông, trong đó, BHNN cần phân biệt hai nhóm rủi ro là rủi ro thảm họa và rủi ro đơn lẻ.

Rủi ro thảm họa cần được Nhà nước tham gia 100%, các hộ và doanh nghiệp tham gia rủi ro đơn lẻ.

Sự đặc thù cho chính sách BHNN cũng có thể học hỏi hoạt động đầu tư bảo hiểm trong nông nghiệp của Israel - đất nước có ngành khoa học kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu thế giới, hầu hết vốn đầu tư là từ Chính phủ (gồm cả đầu tư từ ngân sách và kêu gọi vốn đầu tư qua quỹ đầu tư mạo hiểm).

Tại Israel, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm có thể đổ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân song cơ cấu quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ Israel chiếm quy mô lớn. Do Chính phủ trực tiếp đi kêu gọi vốn nên nguồn vốn đầu tư thu được sẽ cao hơn (nhà đầu tư tin tưởng và an tâm hơn tính chắc chắn khi Chính phủ trực tiếp quản lý quỹ).

Bàn về phương án triển khai BHNN gắn với tín dụng, ông Oánh cho rằng, ngoài những nỗ lực từ chính sách, cần có sự liên kết Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, bảo hiểm và nhà nông trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao và tăng thu nhập cho người nông dân.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm