Chính sách

Dự kiến năm 2030 Việt Nam sẽ có 42 cửa khẩu quốc tế

DNVN - Dự thảo “Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" định hướng đến năm 2030 dự kiến hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia có 42 cửa khẩu quốc tế, 47 cửa khẩu chính và 56 cửa khẩu phụ.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavẳn: “Một cửa, một điểm dừng” / Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đensavẳn: “Một cửa, một điểm dừng”

Định hướng phát triển các cửa khẩu đến năm 2030, Dự thảo “Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” dự kiến hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia có 42 cửa khẩu quốc tế, 47 cửa khẩu chính và 56 cửa khẩu phụ (tăng 1,7 lần so với năm 2021).

Tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia có 60 cửa khẩu quốc tế, 70 cửa khẩu chính và 64 cửa khẩu phụ (tăng gấp 2,2 lần so với năm 2021 và gấp 1,3 lần so với năm 2030).

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh(huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai)

Về tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, dự thảo định hướng đến năm 2030, nâng cấp 3 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương và có thêm các lối mở.

Tuyến biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2030 sẽ mở và nâng cấp 6 cửa khẩu quốc tế (trong đó có 5 cửa khẩu đường bộ và 1 cửa khẩu đường sắt), 8 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và có thêm các lối mở.

Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2030 sẽ mở và nâng cấp 7 cửa khẩu quốc tế (trong đó có 4 cửa khẩu đường bộ, 2 cửa khẩu đường bộ và đường sông, 1 cửa khẩu đường sắt), 7 cửa khẩu chính, mở 10 cửa khẩu phụ.

Dự thảo xác định thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cho hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu của công tác quản lý, tạo thuận lợi cho giao thương, giao lưu qua biên giới, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Đối với cơ chế, chính sách hình thành và phát triển các hành lang kinh tế, đến năm 2030, Việt Nam ưu tiên đầu tư từ đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi và cơ chế, chính sách ưu đãi cho khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia các dự án hợp tác công tư xây dựng các trục giao thông, các đầu mối giao thông lớn (cảng biển, sân bay…), các cửa khẩu, các tuyến đường gom dọc theo các trục giao thông dự kiến trở thành hành lang kinh tế.

Quy hoạch, định hướng bố trí, có cơ chế, chính sách ưu đãi và ưu tiên đầu tư phát triển các đô thị, hệ thống khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu du lịch theo các hành lang kinh tế.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hiệp định song phương và đa phương về kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông (như hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt và đường thủy) để tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới, vận tải liên quốc gia, vận tải đa phương thức trong khuôn khổ ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và với các nước láng giềng.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm