Chính sách

Gỡ 'điểm nghẽn của điểm nghẽn' để kinh tế tư nhân phát triển

DNVN - Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Các động lực cho tăng trưởng cao, bền vững kinh tế Việt Nam năm 2025 và các năm tiếp theo”, ngày 1/4, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân.

Gỡ nút thắt phát triển kinh tế tư nhân: Dứt khoát phải giảm 30% thủ tục, chi phí kinh doanh / Giải phóng sức mạnh kinh tế tư nhân

Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP, gần 60% tổng đầu tư xã hội, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo gần 80% công ăn việc làm trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản, mà rào cản lớn nhất là sự “tắc nghẽn” do thể chế, quy định pháp luật. Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, không hợp lý, thiếu minh bạch, chồng chéo, trùng lặp. Thậm chí là mâu thuẫn nhau (nhiều tầng nấc); thiên về quản lý là chủ yếu, không quản được thì cấm.

Điều này khiến cho chi phí tuân thủ rất cao, tốn kém về thời gian và tiền bạc, đặc biệt là các chi phí cơ hội.

“Rào cản lớn nhất vẫn là “tắc nghẽn” do thể chế, quy định pháp luật. Phân bố và sử dụng nguồn lực (một phần không nhỏ) là theo thân hữu, sai lệch, kém hiệu quả. Tình trạng này làm triệt tiêu, thui chột tinh thần kinh doanh cống hiến, kinh doanh có văn hoá, kinh doanh có trách nhiệm xã hội”, ông Cung nói.

Trước thực trạng này, ông Cung nhấn mạnh cần tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” tạo đột phá huy động tối đa nguồn lực, phát huy hết tiềm năng và tận dụng hết cơ hội phát triển kinh tế tư nhân.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Các động lực cho tăng trưởng cao, bền vững Kinh tế Việt Nam năm 2025 và các năm tiếp theo”.

PGS, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất, để thúc đẩy kinh tế phát triển, không thể bó hẹp trong khuôn khổ “gia tăng nguồn lực (vốn, lao động) mà phải mở rộng quy mô bằng cách chỉnh sửa, thay đổi, cải cách “cục bộ” hệ thống cơ chế, chính sách.

“Để giải quyết vấn đề, cần tư duy khác biệt – khác thường, không bó hẹp trong kinh tế. Hai tuyến nhiệm vụ chính bao gồm cải cách Nhà nước, cởi bỏ các trói buộc hành chính “quan liêu” và xác lập tầm nhìn thời đại, thực hiện một chương trình hành động đầy quyết tâm và khát vọng của dân tộc.

Đó chính là những điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm, Đảng và Nhà nước đưa ra đang ráo riết thực hiện, với mức độ đồng thuận và lòng tin ngày càng tăng của nhân dân và của bộ máy Nhà nước”, ông Thiên nói.

Tại hội thảo, đại diện Viện Kinh tế - xã hội và môi trường (IESE) cho rằng, khung giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 phải hướng tới việc xác lập mô hình tăng trưởng mới dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng đó là sắp xếp tinh gọn bộ máy, đột phá về thể chế; thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trở thành “đòn bẩy” - động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; thúc đẩy các yếu tố tổng cầu trong ngắn hạn. Đồng thời, thúc đẩy các yếu tố tổng cung trong trung, dài hạn; phát triển hạ tầng chiến lược và định hình các động lực tăng trưởng mới.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm