Chính sách

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã: Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng

DNVN - Tại phiên họp “Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023” của Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX), chiều 7/4, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khu vực KTTT, HTX đang thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng.

Nghệ An: Giữ làng nghề truyền thống nhờ mô hình HTX / HTX dệt may thoát khó khăn bằng liên kết xuất khẩu sang Nhật

Phát biểu khai mạc phiên họp “Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong những năm qua, khu vực KTTT đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn HTX (tăng hơn 2 nghìn HTX, tương ứng 7% so với năm 2021), 125 liên hiệp HTX (tăng 18 liên hiệp HTX, tương ứng khoảng 17% so với năm 2021) và 71.000 tổ hợp tác; các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp “Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023”. Ảnh: Hà Anh.

Báo cáo tóm tắt công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX (Ban chỉ đạo), ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022, nhiều cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước đã mở ra cơ hội cho phát triển nền kinh tế nói chung và khu vực KTTT, HTX nói riêng.

Đáng chú ý là sự ra đời Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 khẳng định chủ trương, đường lối phát triển KTTT, HTX của Đảng phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền KTTT định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng ở nước ta.

Khu vực KTTT, HTX phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh, thu nhập đều tăng so với năm trước. HTX đóng góp vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ thành viên cả về kinh tế lẫn kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị.

Tuy nhiên, khu vực KTTT, HTX chịu sự ảnh hưởng của biến động thị trường; thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng; chậm chuyển đổi số, ứng dụng truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm; số lượng thành viên tham gia có xu hướng giảm.

Cơ chế, chính sách và nguồn vốn hỗ trợ khu vực HTX còn chưa hợp lý so với tính chất của mô hình HTX. Bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn thiếu gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ ở các cấp.

Cũng theo ông Trung, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, chậm được bố trí kinh phí thực hiện. Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 ban hành ngày 13/11/2020, tuy nhiên vẫn chưa được bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện. Còn tồn tại một số vướng mắc trong quy định tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg cần được sửa đổi.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khu vực KTTT, HTX đang thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Ảnh: Hà Anh.

Số lượng các HTX tiếp cận các chính sách của Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt chính sách hỗ trợ tín dụng; chính sách giao đất, cho thuê đất (địa phương hết quỹ đất công); chính sách hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng

Công tác triển khai thực hiện các chính sách đạt hiệu quả chưa cao, điều kiện và thủ tục hỗ trợ phức tạp, chưa thông tin đến HTX; cán bộ quản lý Nhà nước ở địa phương vừa thiếu vừa yếu để hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách.

Cùng với đó, mặc dù đã tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên hoạt động của Ban Chỉ đạo vẫn còn những hạn chế nhất định, chủ yếu hoạt động sự vụ theo các nhiệm vụ được phân công. Chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời tham mưu các chủ trương, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển KTTT, HTX.

Đặc biệt, vẫn còn 12/63 địa phương chưa kiện toàn cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là sở kế hoạch và đầu tư, gây khó khăn trong công tác phối hợp ở trung ương và địa phương. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp còn hạn chế.

Để khu vực KTTT, HTX phát triển, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo tập trung vào giải pháp đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20-NQ/TW; ban hành và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ; Chương trình, kế hoạch thực hiện ở các Bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KTTT, HTX.

Kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về KTTT, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về KTTT, HTX, các hoạt động của Ban Chỉ đạo để góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của phát triển KTTT, HTX thời gian tới.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm