Kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún sẽ không có chỗ đứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại.
Ban hành bộ chuẩn mực kế toán cho doanh nghiệp Việt: Đường dài gian nan / Tăng tốc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ
Hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là sự kiện quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể (KTTT) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đưa ra các định hướng để phát triển kinh tế tập thể, HTX trong bối cảnh mới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội nghị nhằm đưa ra các định hướng để phát triển kinh tế tập thể, HTX trong bối cảnh mới. (Ảnh: HNMO)
“Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Việc đánh giá đúng thực trạng để có những giải pháp thiết thực phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới là hết sức quan trọng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đánh giá kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013. Khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.
Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT, HTX đạt thấp và có xu hướng giảm, chỉ bằng khoảng hơn ½ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể: năm 2003 là 4,92%, năm 2005 - 3,98%, năm 2010 - 3,32%, năm 2020 - 2,4%. Đóng góp của KTTT vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001, 6,65% năm 2005, 3,99% năm 2010 và 3,62% năm 2020.
Kết quả phát triển của khu vực KTTT so với mục tiêu đến 2010 mà Nghị quyết đề ra là “đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới tỷ có trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế”, là không đạt được.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũngcho rằng, khu vực KTTT và HTX còn tồn tại nhiều vấn đề.(Ảnh: VnEconomy)
Nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Số lượng HTX không hoạt động còn khá lớn, số HTX yếu kém giảm chậm, tỷ lệ HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi tăng nhưng mức lãi thấp và không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động cầm chừng, nguồn thu không đáng kể, không đủ chi phí cho bộ máy quản lý HTX hoạt động. Nhiều HTX còn lúng túng trong việc xác định phương hướng hoạt động, chưa xác định được rõ hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.
Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức. Các hoạt động liên kết, liên doanh trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa các HTX với nhau còn ít, nội dung hạn chế.
"Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với HTX hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa toàn diện, chậm triển khai thực hiện, chưa có tính khả thi cao và chưa tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT, HTX chưa được kiện toàn.
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế
Để thích ứng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao và tránh được những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị, phải thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTT; tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các bộ ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX.
Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển. Kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về KTTT. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Xây dựng các mô hình KTTT kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT cũng như âng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội và trách nhiệm của Liên minh HTX các cấp trong phát triển KTTT, HTX.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tập trung khắc phục những hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19.
Theo người đứng đầu Chính phủ, KTTT, HTX, đặc biệt với khu vực nông thôn, phát triển chưa tiêm xứng với tiềm năng. Do đó, cấp ủy các cấp cần nâng cao nhận thức củavề vai trò của KTTT, HTX đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Cùng với đó, cần quan tâm đến công tác thống kê, thu thập dữ liệu để trên cơ sở đó đánh giá một cách khoa học kết hợp với thực tiễn. Ngoài ra, cần quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển loại hình kinh tế này.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo