Ban hành bộ chuẩn mực kế toán cho doanh nghiệp Việt: Đường dài gian nan
DNVN - Nhấn mạnh về khó khăn triển khai thực hiện đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) tại Việt Nam, TS Đoàn Thục Quyên, Trường Đại học Công đoàn cho rằng việc Ban hành bộ chuẩn mực kế toán (CMKT) cho doanh nghiệp Việt là chặng đường dài nhiều rào cản.
Quy định pháp luật về sửa chữa sổ kế toán / Quy định pháp luật về chuyển địa chỉ trụ sở chính của công ty kinh doanh dịch vụ kế toán
Doanh nghiệp chưa quan tâm đến CMKT
Theo TS Đoàn Thục Quyên, hội tụ theo chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) là xu thế chung trên toàn thế giới. Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam. Việc ban hành và triển khai áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam theo đề án sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả bản thân doanh nghiệp áp dụng và người sử dụng thông tin kế toán.
Tuy nhiên, việc áp dụng chuẩn mực BCTC còn nhiều khó khăn. Về phía cơ quan nhà nước, việc triển khai thực hiện đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam còn triển khai chưa kịp thời. Theo Quyết định 345/QĐ-BTC thì việc áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam được thực hiện theo 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị từ năm 2020 đến hết năm 2021; giai đoạn áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến hết năm 2025; giai đoạn các doanh nghiệp được tự nguyện áp dụng IFRS từ năm 2022 đến hết năm 2025. Nhưng cho tới nay Bộ Tài chính chưa ban hành IFRS làm cơ sở cho các doanh nghiệp muốn tự nguyện áp dụng IFRS làm cơ sở pháp lý để triển khai.
Việc áp dụng chuẩn mực BCTC còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, yêu cầu xây dựng thể chế và năng lực kỹ thuật để cải thiện chất lượng BCTC là hết sức cần thiết thông qua việc triển khai thực hiện đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam. Yêu cầu này trong bối cảnh nguồn lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trên cả nước còn hạn chế, chưa được quan tâm thỏa đáng khi triển khai thực hiện.
Đồng thời, những năm qua có rất nhiều thay đổi quan trọng trong công tác kế toán và BCTC. Trên bình diện quốc tế, các tổ chức ban hành chuẩn mực kế toán quốc tế đang trong quá trình bổ sung, sửa đổi, xây dựng trên cơ sở nền kinh tế thị trường phát triển cao, theo hướng cố gắng hài hoà các nguyên tắc kế toán được thừa nhận của Mỹ (USGAAP) và các chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế. Các CMKT quốc tế lại luôn được cập nhật, thay đổi nên Việt Nam cũng phải cập nhật cho phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế.
Cũng theo TS Đoàn Thục Quyên, do nền kinh tế thị trường Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, mối quan hệ giữa CMKT với pháp luật về thuế và cơ chế tài chính còn mang nhiều nét đặc thù và phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ yếu, quan trọng.
Do vậy việc ban hành và công bố áp dụng hệ thống CMKT Việt Nam (VFRS) cần dựa trên cơ sở CMKT quốc tế phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam. Theo đó, chúng ta phải dịch thuật, soát xét bản dịch IFRS và nghiên cứu đồng bộ các CMKT quốc tế để có định hướng các nội dung cần bổ sung, sửa đổi trong các CMKT đã và sẽ ban hành mới.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp thực hành kế toán không dựa vào các CMKT đã được ban hành mà chủ yếu được thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp. Các nhà quản lý cũng như người làm kế toán ở doanh nghiệp vừa chưa quan tâm đến CMKT mà họ thường quan tâm đến việc lập ra BCTC được cơ quan chức năng chấp nhận là coi như hoàn thành nhiệm vụ dù rằng những báo cáo này có tuân thủ CMKT, chế độ kế toán hay không.
Ngay cả việc đào tạo kế toán ở không ít cơ sở đào tạo cũng chỉ dựa vào chế độ kế toán để giảng dạy và hướng dẫn thực hành kế toán chứ chưa gắn nhiều với các CMKT đã được ban hành. TS. Đoàn Thục Quyên kết luận: Tất cả những điều lý giải trên cho thấy tại sao nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ biết đến chế độ kế toán và dựa vào chế độ kế toán để thực hiện công tác kế toán chứ chưa quan tâm nhiều đến CMKT. Để có thể ban hành bộ CMKT cho doanh nghiệp ở Việt Nam còn là một chặng đường dài với nhiều rào cản liên quan đến tập quán thực tế làm kế toán nhiều năm trước đó.
Cần nỗ lực đóng góp từ nhiều phía
TS. Đoàn Thục Quyên cho rằng việc nghiên cứu để xây dựng hệ thống VFRS trên cơ sở vận dụng IFRS và áp dụng toàn diện IFRS đang trở thành một thách thức lớn với các cơ quan chức năng nhà nước về kế toán, kiểm toán cũng như đối với các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, đứng trước xu thế hội nhập sâu rộng về mọi lĩnh vực trong đó có kế toán thì việc áp dụng theo CMKT quốc tế về lâu dài đang là một vấn đề không thể không thực hiện vì thông qua việc áp dụng IFRS và VFRS cho các đối tượng cụ thể sẽ góp phần giúp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam tăng cường được năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập để phát triển hoạt động kinh doanh.
Những khó khăn nêu trên nếu không tháo gỡ kịp thời và có những giải pháp xử lý thích ứng thì việc áp dụng IFRS và VFRS ở Việt Nam sẽ không thực hiện được theo đúng lộ trình của đề án mà Bộ Tài chính đã phê duyệt tại Quyết định 345/QĐ-BTC.
Ban hành bộ chuẩn mực kế toán cho doanh nghiệp là chặng đường dài nhiều rào cản
Chuyên gia Trường Đại học Công đoàn khuyến nghị: Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo xây dựng một chiến lược phát triển kế toán theo hướng hội nhập trong đó có việc chú trọng công tác đào tạo kế toán cho doanh nghiệp. Dựa trên chiến lược này, cần có sự phối hợp với các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về IFRS và VFRS.
Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học liên quan đến việc tìm hiểu kinh nghiệm về nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng IFRS và VFRS của các nước trên thế giới để làm cơ sở cho việc nghiên cứu và ban hành như đã nói trên phục vụ cho việc giảng dạy cũng như tổ chức thực hiện IFRS và VFRS cho các doanh nghiệp trong dài hạn.
Cùng với đó, để đưa công tác kế toán tại các doanh nghiệp ở Việt Nam vào nền nếp, từng bước tiếp cận và đi đến áp dụng IFRS và VFRS, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo trong việc soạn thảo các văn bản pháp lý về kế toán nói chung và bộ CMKT áp dụng cho doanh nghiệp nói riêng; phối hợp trong công tác đào tạo nhân lực về kế toán, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức kế toán để người làm kế toán cũng như các nhà quản lý doanh nghiệp có được những am hiểu cần thiết để phục vụ tốt cho quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Các cơ quan nhà nước cần có những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà quản lý doanh nghiệp trong việc tiếp cận những đổi mới về kế toán áp dụng cho doanh nghiệp để các nhà quản lý doanh nghiệp có nhận thức đúng về IFRS, VFRS và thật sự quan tâm đến chất lượng thông tin kế toán cung cấp cho các đối tượng sử dụng có liên quan.
“Để đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực kế toán ở Việt Nam cần phải có một quá trình đòi hỏi những nỗ lực và đóng góp từ nhiều phía bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và quan trọng nhất là từ chính bản thân các kế toán viên”, TS Đoàn Thục Quyên đề xuất.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo