Chính sách

Tiêu dùng thuốc lá lậu không phụ thuộc vào tăng thuế

DNVN - Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cho rằng, tiêu dùng thuốc lá lậu tại Việt Nam không nhất thiết phụ thuộc vào sự tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà do nhiều lý do khác. Cụ thể là thuế nhập khẩu, vấn đề kiểm soát buôn lậu, thị hiếu tiêu dùng…

Kiến nghị xây dựng ngay chính sách quản lý với thuốc lá thế hệ mới / Buôn lậu, tàng trữ thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng

Chia sẻ tại hội thảo “Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khoẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng”, ngày 20/9, chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn cho rằng, những lo ngại về việc tăng thuế thuốc lá đang thiếu cơ sở.

Cụ thể, những lo ngại về việc làm, về buôn lậu do mức tăng cao của thuế thuốc lá đang bị phóng đại. Bởi tình hình kinh doanh của ngành thuốc lá rất khả quan, vẫn tăng trưởng, trong khi xu thế tăng bệnh tật và kéo theo là chi phí y tế lại rất đáng lo ngại. Cần cấp bách đảo ngược cả hai xu thế này.

Đối với lo ngại về sản lượng và tiêu thụ, theo ông Sơn, tình hình kinh doanh thuốc lá vẫn tăng trưởng tốt trong 10 năm vừa qua. Chỉ số sản xuất, tiêu thụ có mức tăng chậm lại gần thời điểm các năm tăng thuế 2016, 2019, nhưng không đáng kể.

“Thực trạng này rất cần tăng thuế ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng thuốc lá. Hệ quả sức khoẻ từ việc sử dụng thuốc lá dẫn tới tử vong do ung thư là rất lâu dài, phải ngăn càng sớm càng tốt”, ông Sơn nhấn mạnh.

Giá trung bình của thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp khoảng 30-60%.

Hiện nay, việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0,39% đến 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Số liệu thống kê thực tế cũng cho thấy, ngay cả khi không tăng thuế thuốc lá thì việc làm trong ngành thuốc lá cũng tăng, giảm tùy năm do tác động của cải tiến công nghệ.

Bên cạnh đó, tăng thuế có thể giảm việc làm trong ngành thuốc lá, nhưng lại làm chuyển dịch tăng việc làm ở các ngành khác, làm tăng tổng việc làm của nền kinh tế.

Thuốc lá là một ngành sử dụng ít lao động hơn các ngành khác. Dù tác động tổng thể của việc tăng thuế thuốc lá là tích cực đến việc làm, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ chuyển dịch lao động.

Ông Sơn khẳng định, lo ngại về buôn lậu không nên là vấn đề cản trở việc tăng thuế đối với thuốc lá. Không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá ở các quốc gia.

Ngành công nghiệp thuốc lá thường phóng đại mức độ buôn lậu thông qua tài trợ nghiên cứu và truyền thông. Ước tính về buôn lậu từ các nghiên cứu do ngành công nghiệp tài trợ thường cao hơn nghiên cứu độc lập.

Tại Việt Nam, thuốc lá lậu thậm chí đắt hơn và thể hiện gu dùng riêng. Tiêu dùng thuốc lá lậu tại Việt Nam không nhất thiết phụ thuộc vào sự tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà do nhiều lý do khác như thuế nhập khẩu, vấn đề kiểm soát buôn lậu, thị hiếu tiêu dùng …

Kết quả điều tra tiêu dùng cho thấy, tỷ lệ thuốc lá lậu năm 2015-2017 có xu hướng giảm đáng kể so với 2010-2012, mặc dù có tăng thuế vào năm 2016 từ mức 20% xuống mức 15-17%. Giá trung bình của thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp khoảng 30-60% và có đặc tính thể hiện gu hút hơn là vấn đề chênh lệch giá. 90% thuốc lá lậu tập trung vào một số nhãn thuốc và có đặc tính theo địa phương.

“Bởi vậy, giải pháp là vừa tăng thuế vừa tăng cường kiểm soát buôn lậu. Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ năm 2026. Để bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, cần phải tăng thuế theo lộ trình khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới”, ông Sơn khuyến nghị.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm