Lãnh đạo Chính phủ sắp sang Mỹ trao đổi về thuế đối ứng
Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng nhất nhưng còn nhiều rào cản / Tháo gỡ rào cản thể chế, tạo động lực mới phát triển kinh tế tư nhân
Tại họp báo thường kỳ ngày 4/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, cần bình tĩnh bởi nếu đánh giá về tình hình theo hướng tiêu cực sẽ chưa trọn vẹn. Cơ quan quản lý sẽ có giải pháp kịp thời, phù hợp nhất, hài hòa lợi ích cả hai bên trước khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực.
Theo sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ngày 2/4 theo giờ địa phương, từ ngày 5/4 tới, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và áp các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia khác từ ngày 9/4/2025, trong đó có áp thuế 46% đối với Việt Nam.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội liên quan tới câu chuyện độc lập, tự chủ nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ sẽ sang Mỹ để trao đổi nhiều nội dung liên quan trực tiếp việc áp thuế đối ứng của Mỹ. Việt Nam đã chuẩn bị rất nhiều nội dung phía Mỹ quan tâm để trao đổi, đàm phán.

"Chúng tôi sẽ giải thích rõ hơn, cụ thể hơn về các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, thuế và các nội dung liên quan khác", Thứ trưởng chia sẻ.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài Tạ Hoàng Linh thông tin, ngay sáng ngày 3/4, sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế trên để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Hiện Bộ Công Thương đang thu xếp cuộc điện đàm ở cấp Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR), và Bộ Thương mại Mỹ trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Linh, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ. Ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Mức thuế MFN trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do vậy, việc Mỹ đang đánh giá Việt Nam áp mức thuế 90% lên hàng hóa của Mỹ và Mỹ áp thuế cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại, xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững giữa hai nước.
"Bộ Công Thương mong muốn Mỹ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm các cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo các lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại… phù hợp với lợi ích của cả hai nước", ông Linh nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao để bàn các giải pháp về thuế quan với Mỹ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng từ 1-3 tháng để đàm phán, với tinh thần bảo đảm công bằng, cả hai bên cùng có lợi. Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán. Đồng thời chủ động có giải pháp phù hợp, hiệu quả để "giữ thị trường Mỹ". |
End of content
Không có tin nào tiếp theo